Sông Mekong ở mức nước thấp kỷ lục, Campuchia và Việt Nam hứng chịu ảnh hưởng nặng nề
Thứ ba, 00:00, 30/07/2019 Hoàng Thái bt Hoàng Thái bt
VOV4.VN - Những ngày gần đây, Campuchia đang phải đối mặt với tình hình hạn hán nghiêm trọng ở nhiều địa phương, đi kèm với đó là hiện tượng mực nước sông Mekong ở mức thấp kỷ lục so với cùng kỳ nhiều năm qua, gây lo ngại về những hệ lụy tác động.

 

Theo Tiến sĩ Khem Sothea, chuyên gia dự báo lũ thuộc Ủy hội Sông Mekong: Mực nước sông Mekong chảy qua Campuchia vào thời điểm hiện nay thấp hơn mức trung bình cùng thời điểm hàng năm khoảng 2-3m trên toàn tuyến, đặc biệt có nơi mực nước sông hiện chỉ cao chưa tới 1m tại đoạn chảy qua thị trấn Neak Luong, thuộc tỉnh Prey Veng, cách biên giới Việt Nam khoảng 40 km.

Tiến sĩ Khem Sothea.

Tiến sĩ Khem Sothea cũng khẳng định, mực nước sông Mekong xuống thấp như hiện nay vào mùa mưa là hiện tượng bất thường. Điều này có thể bắt nguồn từ một số nguyên nhân như lượng mưa năm nay thấp, các sông nhánh đổ vào sông Mekong bị khai thác quá mức, và đặc biệt là do một số đập thủy điện trên thượng nguồn ngăn dòng chính để tích trữ nước vào hồ chứa.

Một cánh đồng ở Campuchia đang khát cháy.

Những trạm bơm hoạt động hết công suất cũng không thể giải quyết đủ lượng nước cần cho những cánh đồng đang hạn hán nghiêm trọng ở Campuchia.

Nước sông Mê Kông xuống thấp ảnh hưởng lớn đến giao thông đường thủy và đe dọa nghiêm trọng môi trường sống của nhiều loài thủy sinh.

Nước sông Mekong xuống thấp ngay cả vào mùa mưa như hiện nay có thể gây ra những tác động nghiêm trọng đối với các nước dọc sông Mekong, đặc biệt là các quốc gia ở hạ nguồn như Campuchia và Việt Nam. Trước hết là hoạt động sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, không đủ lượng nước phục vụ trồng trọt. Thứ hai là hệ sinh thái và đa dạng sinh học dọc dòng sông cũng chịu tác động tiêu cực, nhiều loài sinh vật bị đe dọa, lượng cá của sông Mekong là nguồn thực phẩm quan trọng đối với Campuchia cũng sẽ bị sụt giảm. Thứ ba là giao thông đường thủy gặp nhiều khó khăn. Và nghiêm trọng nhất là các địa phương thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam ở hạ nguồn sẽ bị xâm nhập mặn.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Ủy hội sông Mê Kông

Ông Nguyễn Quốc Anh, chuyên gia dự báo thủy văn thuộc Ủy hội Sông Mekong cho rằng, để có thể khắc phục hiệu quả hiện tượng đáng lo ngại nêu trên, cần phải giảm thiểu những tác động tiêu cực chủ quan do con người gây ra. Các quốc gia thành viên Ủy hội Sông Mekong cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường chia sẻ thông tin về các hoạt động gây ảnh hưởng đến dòng chảy sông Mekong, kể cả tại các sông nhánh. Tiến tới trong tương lai, các quốc gia cần phải cùng nhau xây dựng và thống nhất một bộ luật về khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững đối với sông Mekong./.

Văn Đỗ, Tâm Hiếu/VOV-Phnom Penh

Hoàng Thái bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC