(VOV4) - Cách đây vài năm, thảo quả là loại cây thế mạnh của người Hà Nhì ở xã biên giới Thu Lũm. Nay, loại cây trồng này đã dần vắng bóng, thay vào đó là cây sả.
Hành trình từ thảo quả đến tinh dầu sả và… biến đổi khí hậu
Chiều biên giới một ngày giáp tết. Không gian sực nức hương tinh dầu sả. Sương mờ ảo bao quanh những quả đồi. Như núi đồi vùng biên này đang nấu những nồi lá thơm khổng lồ đề tắm gội cho cả một không gian rộng lớn. Để cả không gian bao la đó thanh khiết và thơm ngát trước thềm năm mới.
Hương sả không chỉ làm cho cả một dải biên cương hùng vĩ trở nên thơ mộng và lãng mạn – một nét rất riêng của chiều biên giới Thu Lũm, Mường Tè, Lai Châu, mà đời sống của người Hà Nhì nơi đây, mấy năm nay cũng đã thực sự “lên hương” từ cây sả.
Ông Chu Xé Lù, Bí thư Đảng ủy xã Thu Lũm bảo rằng hành trình của cây sả đến với vùng đất này một cách tự phát, vì… biến đối khí hậu: "Cây sả với xã Thu Lũm giờ là thế mạnh nhất rồi. Trước là thảo quả. Mấy năm nay thay đổi khí hậu, thảo quả không được chú trọng, vì năng suất không cao, nên bà con chuyển sang trồng sả. Đầu tiên là dân tự phát. Bây giờ toàn xã có khoảng 250-300 ha, mỗi ha thu được 60-70 triệu đồng/năm.
Đồng bào Hà Nhì ở Thu Lũm cải tạo đất đồi trồng cây sả. Ảnh:danviet.vn
Tiên phong chuyển đổi đất trồng lúa nương và thảo quả không hiệu quả sang trồng sả là gia đình anh Chu Lò Xá, ở bản Pa Thắng. Gia đình anh Xá mấy năm nay đều đặn có nguồn thu 100 triệu đồng/năm từ 2ha sả.
Ông Chu Xé Lù cho biết cây sả hiệu quả kinh tế cao, rất phù hợp với khí hậu ở nơi này. Bà con cũng không phải quá lo lắng về đầu ra cho sản phẩm: "Trồng sả sau khoảng một năm là thu được ngay, rất là nhanh. Tinh dầu này chẳng phải lo gì cả. Cứ đến phiên chợ, bà con mang xuống đó bán, bên Trung Quốc họ sang mua hết. Rồi bên Việt Nam mình mua cũng nhiều để chế mỹ phẩm. Tinh dầu để lau nhà, chống muỗi, khử mùi, tắm gội rất tốt".
Không chỉ ở phiên chợ, trong những gian hàng tạp hóa nhỏ ở trung tâm xã Thu Lũm, tinh dầu sả cũng là mặt hàng đặc sắc với khách du lịch. Các chị Lì Lò De và Chu Mì Nhung cho biết ở đây nhiều người bán, một chai 1,5 lít giá 500 ngàn đồng.
Tuy nhiên, Bí thư đảng ủy xã Thu Lũm Chu Xé Lù, khi được hỏi về tương lai phát triển của cây sả ở xã mình, thì lại chuyển sang lo lắng: "Chế biến tinh chế dầu sả bằng nồi mình mua của Trung Quốc khoảng 10 triệu/nồi. Mỗi lần nấu thì hơi tốn củi. Chắc chắn cứ phát triển sả như thế này, cứ đốt bằng củi như thế này mà không có biện pháp thay đổi lò đốt thì tốn rất nhiều củi, và chắc chắn rừng sẽ bị phá".
Vì cây sả, liệu người Hà Nhì có bước qua lời nguyền giữ rừng?
Với người Hà Nhì ở Thu Lũm, câu chuyện giữ rừng không chỉ là mâu thuẫn trong phát triển kinh tế mà còn là thách thức khi một một nét văn hóa đặc sắc có nguy cơ bị mất đi. Người Hà Nhì có tục thiêng hóa rừng và giữ rừng rất tốt. Hàng năm, người Hà Nhì thường làm lễ cúng rừng, thề sẽ bảo vệ rừng. Không bảo vệ rừng có nghĩa là bước qua lời nguyền với thần rừng và sẽ bị trừng phạt.
Người Hà Nhì cúng rừng. Họ tôn thờ rừng như máu thịt mình. Ảnh: baomoi.com
Ông Chu Xé Lù làm con tính nhẩm về quy trình sản xuất tinh dầu sả mà bà con trong xã đang áp dụng: "Một ngày công chỉ nấu được 3 nồi là hết cỡ, 3 nồi mất 12 tiếng, nên mình sẽ vận động bà con chuyển sang công nghệ mới. Quan trọng là xã muốn giữ rừng. Hiện nay diện tích rừng của Thu Lũm là 79%. Bây giờ xã không có chủ trương cho dân vay tiền mở rộng diện tích trồng sả nữa. Đề nghị nhà nước hỗ trợ nghiên cứu đưa vào sử dụng những loại nồi nấu tinh dầu sả mà không cần củi".
Từ kiến nghị của xã Thu Lũm, các nhà khoa học thuộc viện Nông nghiệp và đại học nông nghiệp 1 đã vào cuộc cùng bà con. Sắp tới đây, công nghệ chế biến tinh dầu sả không sử dụng củi đốt sẽ được áp dụng ở Thu Lũm, để xã vừa phát triển được cây sả, lại vừa giữ được rừng, như mong muốn của người Hà Nhì.
Sản xuất và bán nguyên liệu thô để chế biến tập trung theo công nghệ mới, bà con Hà Nhì ở Thu Lũm sẽ bớt được nỗi lo về đầu ra cho sản phẩm. Bởi nhiều mặt hàng, cây trồng ở các địa phương khác, nếu quá phụ thuộc vào một thị trường Trung Quốc thì nguy cơ rủi ro là rất cao, mặc dù bây giờ việc tiêu thụ tinh dầu sả đang khá dễ dàng.
Hồng Nhung/VOV4
Viết bình luận