Cùng với danh hiệu là đơn vị 4 năm liền có sản phẩm trong top 3 cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam, các sản phẩm của Công ty TNHH Minudo Farm-Care Đắk Lắk còn được nhiều người mua, rang xay trong, ngoài nước chọn là các mẫu cà phê ngon, đặc sản được yêu thích nhất. Đây là kết quả của cả một quá trình đầu tư nghiêm túc trong tất cả các khâu, mà bắt đầu là từ những nông trại đặc biệt. Ở đó có sự hội tụ của các yếu tố như: giống cà phê phù hợp với khí hậu, điều kiện thổ nhưỡng, chăm sóc theo hướng hữu cơ đến việc thu hái có lựa chọn và sơ chế bảo quản nghiêm ngặt. Điều này đòi hỏi những con người thật sự yêu thích là tâm huyết với cà phê.
Ông Lê Đình Tư, Giám đốc Công ty TNHH MTV Minudo Farm-Care chia sẻ, Khi làm theo tiêu chuẩn Rainforest Alliance (rừng mưa nhiệt đới) phải kiểm soát thật kỹ đưa dinh dưỡng đầu vào. Cà phê cũng như thần thái của con người thôi. Nó phải đầy đủ dưỡng chất thì mới ngon được, khi về phải đưa vào khí hậu thời tiết biên bộ nhiệt rất nhiều. Mùa chín nóng khắc nghiệt hay mùa lạnh khắc nghiệt thì phải như thế nào... tất cả đều theo 1 quy chuẩn rõ ràng.
Định hướng rõ ràng ngay từ đầu của Hợp tác xã là phát triển cà phê đặc sản nên Hợp tác xã Ea Tân, huyện Krông Năng đã không ngừng nỗ lực tìm hướng đi mới có sự đột phá về chất lượng. Hợp tác xã xác định, nông dân là người đầu tiên quyết định chất lượng cho toàn chuỗi giá trị, do đó đã liên kết với nông dân để nâng cấp chất lượng. Hợp tác xã đã mất 2 - 3 năm cùng nông dân hoàn thiện các phương pháp và quy trình chế biến cà phê đặc sản.
Quy trình nghiêm ngặt trong phương pháp phơi cà phê đặc sản
Ông Nguyễn Trí Thắng, Giám đốc hợp tác xã Ea Tân cho biết: để làm cà phê đặc sản bền vững thì cần có sự tiếp cận phù hợp từ lúc đầu. Đó là trang bị kiến thức cơ bản tốt, liên kết sản xuất có hệ thống, làm ra những sản phẩm tốt, chất lượng ổn định.Trải qua 4 mùa, sự đồng hành của người dân với hợp tác xã trên con đường cà phê đặc sản ngày càng gắn kết hơn, họ nhận ra trách nhiệm với cà phê và thấy được lợi ích của cà phê đặc sản mang lại từ đấy. Ngoài những hộ đã đồng hành với mình thì những người xung quanh cũng muốn tham gia.
Hiện nay, cà phê đặc sản chỉ chiếm 1 - 2% tổng sản lượng cà phê toàn cầu, chủ yếu là Arabica. Đã có một số thị trường sử dụng cà phê đặc sản Robusta trong tiêu dùng nên Việt Nam sẽ vượt qua khó khan, có cơ hội phát triển sản phẩm này. Trên thực tế, trong 2 – 3 năm nay, các lô hàng đạt chứng nhận “Cà phê đặc sản Việt Nam” do Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột tổ chức đều được các nhà rang xay nước ngoài đánh giá cao và thu mua rất nhanh chóng. Đây cũng là thành quả bước đầu của một quá trình dày công đầu tư xây dựng từ khâu sản xuất đến chế biến và thương mại sản phẩm.
Cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam tôn vinh cà phê chất lượng
Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột cho biết, làm cà phê đặc sản như một giải pháp cần thiết để khai thác thị trường có phân khúc giá trị cao hơn. Các lô cà phê đạt đặc sản thì các nhà sản xuất cà phê đặc sản cũng sẽ chức mua của nông dân với giá cao hơn so với cà phê nhân thương mại. Như vậy, việc cần làm là khai thác phân khúc thị trường cà phê đặc sản để có giá trị cao hơn.
Tuy nhiên, hành trình đưa cà phê Việt Nam trở thành cà phê đặc sản vẫn gặp không ít khó khăn, khi khái niệm cà phê đặc sản còn quá mới mẻ với người làm cà phê trong nước. Cùng với đó, các chính sách cho phát triển cà phê đặc sản chưa được quan tâm đúng mức. Nhưng với những kết quả đạt được, những người tâm huyết với cà phê đặc sản vẫn lạc quan và tin tưởng vào tương lai. Sự tin tưởng này không chỉ thay đổi nhận thức, cách tiếp cận để thay đổi giá trị của cà phê mà còn góp phần thay đổi đời sống của cộng đồng, tạo thu nhập bền vững cho các nông hộ./.
Hương Lý/VOV Tây Nguyên
Viết bình luận