Cánh kiến đỏ ngày càng giá trị
Thứ tư, 00:00, 31/08/2016 Phú CT Phú CT

(VOV4) - Với giá trị cao về mặt kinh tế, lại có thể phát triển được rừng, nghề nuôi thả cánh kiến đỏ đã và đang được đông đảo bà con dân tộc thiểu số ở huyện Mường Lát tham gia. Bằng kinh nghiệm cha ông để lại, bà con vừa làm vừa tìm tòi, sáng tạo để thích ứng với môi trường, khí hậu đang biến đổi.

 

Nuôi thả kiến đỏ bằng kinh nghiệm dân gian

 

 

Đồng bào các dân tộc Mông, Thái, Dao ở huyện vùng cao Mường Lát (Thanh Hóa), chắc chẳng mấy người biết nghề nuôi thả kiến đỏ có từ bao giờ. Chỉ biết rằng, từ xa xưa, cha ông họ đã biết sử dụng sản phẩm cánh kiến đỏ. Và ngày nay, cánh kiến đỏ đã trở thành sản phẩm hàng hóa, được người dân trong nước và bạn hàng nhiều quốc gia biết đến.

 

Theo ông Phạm Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững Thanh Hóa, nghề nuôi thả kiến đỏ trước kia chỉ dành cho đàn ông, nhưng bây giờ, nhiều phụ nữ cũng làm được.

 

 

Nghề nuôi kiến đỏ đang phát triển ở Mường Lát. Ảnh: baomoi.com

 

Việc chọn cây chủ để thả kiến được bà con đặc biệt quan tâm. Ở Mường Lát, cọ khiết đang được coi là cây chủ tốt nhất về sinh thái môi trường, năng suất cánh kiến đỏ cũng cao hơn các loài cây chủ khác. Theo chị Nguyễn Thùy Dương, một người nuôi kiến đỏ ở Mường Lát, thì ngoài cọ khiết ra, còn nhiều loại cây khác cũng có giá trị, trong đó có cây đậu thiều. Với những cây sung, cây ngơn là cây to, cây thân gỗ thì cây chủ ấy sẽ dùng được lâu hơn, khoảng 10 năm, 20 năm hoặc 30 năm. Nhưng đậu thiều chỉ dùng trong 2 năm.

 

Để thu được sản phẩm nhựa kiến đỏ, đồng bào gọi là sặng kiến, chất lượng cao thì phải chọn kiến và tổ kiến. Khi chọn tổ kiến, người nuôi cần nắm chắc một số nguyên tắc cơ bản, như việc nhìn tổ, xem kiến mạnh yếu ra sao. Tổ phải căng, ở trên tổ có muội, phấn trắng, phần tổ mập, tổ dày thì kiến sẽ nhiều hơn, có thể dùng để nhân giống cho vụ sau. 

  

Vụ xuân thì mình nuôi thả vào tháng tư đến tháng 6 và tháng 9, tháng 10, thu hoạch gối nhau, vì khoảng thời gian mùa đông nó lạnh hơn nên con kiến nó sẽ phát triển kém hơn so với mùa hè, hạn chế buộc vào mùa giông bão hay mưa như tháng 7 vì là khi mưa con kiến không thể bò ra ngoài được.

 

Quá trình thu hoạch cũng đòi hỏi người nuôi phải có kinh nghiệm chặt cành, cắt sặng kiến, có đúng kỹ thuật thì sản phẩm thu được sẽ đạt chất lượng cao lại vừa có thể giữ được kiến giống.

 

Nhựa cánh kiến đỏ có nhiều công dụng trong ngành thực phẩm và hóa phẩm. Ảnh:baomoi.com

 

Nhựa cánh kiến để làm phẩm màu nhuộm thức ăn, tráng bóng trái cây, hạt cà phê và một số loại hạt khác. Nhựa cánh kiến cũng được dùng để pha màu sơn, véc ni và dùng trong keo xịt tóc. Trong kỹ nghệ, người ta dùng nhựa cánh kiến để làm mực in, pha chế với các chất hóa học khác làm chất sáp đánh bóng sàn nhà. Trong y khoa, dùng nhựa cánh kiến trong việc chế tạo các khuôn làm răng giả. Ngày nay, nhựa cánh kiến đỏ còn được dùng trong công nghiệp vecni, sơn, mạ những sản phẩm chiu nhiệt, chịu acid, chịu tác động của khí hậu khắc nghiệt, như máy bay, đồ điện tử cao cấp. Sản phẩm cánh kiến đỏ còn dùng rộng rãi trong dược phẩm, thực phẩm, mỹ phẩm, túi nilon tự hủy…

 

 

Giá trị của cánh kiến đỏ

 

 

Theo những người nuôi thả kiến đỏ ở Mường Lát thì nghề này đã có từ rất lâu, nhưng từ những năm 80 của thế kỷ 20, nghề này mới bắt đầu được khôi phục và phát triển. Chị Nguyễn Thùy Dương cho biết: nghề nuôi thả kiến đỏ là nghề truyền thống của bà con người Mông, người Thái, người Dao nơi đây. Ngày xưa, người Mông thường hay tự chế biến làm những nông cụ như dao, kéo, cày cuốc... Nếu cán cuốc bị bong ra thì người ta sẽ dùng nhựa cánh kiến để dán, yên tâm không bị bong ra.

 

Theo ông Phạm Ngọc Lân, nuôi kiến đỏ khá dễ mà lại cho hiệu quả kinh tế cao. Nghề nuôi thả kiến đỏ không tốn kém đầu tư, không tốn kém sức lao động nhưng thu nhập cao: "Một vụ bỏ ra từ 1,5 triệu đến 2 triệu cả công và số lượng giống để mình thả đấy thì một ha thu hoạch 750 cho đến 1 tấn sản phẩm cánh kiến đỏ, 100 triệu, đấy là điều kiện thị trường đảm bảo ổn định không bị đầu nậu ép giá. Ngoài ra, còn phát triển được rừng, bảo vệ được môi trường, tăng sinh kế, tăng thu nhập cho người dân".


Các nhà khoa học cho biết: Việt Nam là một trong bảy nước có nghề nuôi thả kiến đỏ. Huyện Mường Lát (tỉnh Thanh Hoá) là một trong ba địa phương có nghề nuôi thả kiến đỏ nhiều nhất cả nước. Nắm được kỹ thuật nuôi thả kiến, lưu giữ được giống, cải tạo rừng cây chủ lâu năm và trồng mới cây chủ ngắn ngày, kết hợp trồng cây nông nghiệp, nhiều gia đình người dân tộc thiểu số ở huyện Mường Lát đã có kinh tế khá giả.

 

 

 

Việt Phú/VOV4

 

Phú CT

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC