VOV4.VN - Cây quế từ lâu đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của đồng bào Dao ở huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Quế là tài sản lớn của gia đình; là lễ vật quý giá với các cặp vợ chồng khi cưới nhau.
Theo cụ Bàn Văn Lý, 80 tuổi, ở xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên, thì người Dao nơi đây chẳng ai biết đích xác cây quế đến với bà con từ khi nào. Theo truyền thuyết thì trong một lần lên rừng săn bắn, một người thợ săn thấy giữa rừng bạt ngàn có một loại cây hạt đen, rất nhiều chim, sóc ăn. Ông nhặt nếm thử, thấy vừa thơm, vừa cay; vò nát hạt bôi lên chân tay thấy côn trùng không đốt, vắt không cắn… Ông bèn lấy hạt về trồng quanh bản làng.
Khi ấy, cuộc sống quá khó khăn nên bà con thường xuyên ốm đau, bệnh tật. Từ khi trồng được cây này, bà con đã cùng nhau tìm hiểu, pha chế vỏ và hạt thành nhiều loại thuốc để cứu giống nòi.
Sau mỗi mùa thu hoạch, bà con trồng lại quế
Cũng theo cụ Lý, từ nhỏ, cụ đã thấy những cây quế to trong vườn nhà. Còn các bài thuốc dân gian từ quế, cụ và bà con trong vùng vẫn dùng đến tận ngày nay.
Cụ Lý nói: "Nhà nào cũng phải có ít dầu quế, dầu này nó hiệu nghiệm lắm. Ai mà chân tay bị đứt thì lấy ít dầu quế bôi là không sợ nhiễm trùng. Ngày xưa ai mà bị mụn thì xuống ao nhiễm trùng ngay, nhưng bôi dầu quế vào là xuống tha hồ".
Sau khi thu hoạch phần vỏ, phần giá trị nhất của cây quế, bà con sẽ thu hoạch tiếp phần gỗ và lá, cành
Những năm 1960 – 1965, vỏ quế bán được tiền. Vì thế, bà con người Dao trong vùng Viễn Sơn, Đại Sơn, Mỏ Vàng, Quang Minh, Châu Quế Thượng… của huyện Văn Yên đã cùng nhau mở rộng diện tích trồng quế. Cây quế trở thành gia sản của các gia đình, là lễ vật quý của các cặp vợ chồng trẻ.
Theo truyền thống, khi các cô gái Dao xuất giá, hay các cặp vợ chồng trẻ ra ở riêng, bố mẹ không cho vàng, bạc trắng hay trâu bò, mà sẽ chia quế cho, ít thì vài chục cây, nhiều thì cả đồi, có khi là cả héc ta. Như vậy, vừa giúp con cái có chút vốn liếng; đồng thời, mỗi lần các con về chăm sóc vườn quế là bố mẹ, con cái lại có dịp gặp nhau.
Đôi vợ chồng trẻ ở xã Viễn Sơn thăm nom rừng quế được bố mẹ chia cho
Ông Triệu Quý Tài, xã Đại Sơn, huyện Văn Yên, cho biết: "Khi con cái chúng tôi xây dựng gia đình thì chỉ cho quế thôi, nếu cho tiền bạc chúng nó sẽ tiêu hết. Mình cho quế thì có cả đất, như vậy sẽ canh tác được lâu. Con cái người Dao chúng tôi cũng thích nhận đồi quế hơn là nhận tiền từ bố mẹ".
Nếu như trước đây cây quế chỉ có giá trị ở phần vỏ, thì giờ đây, từ vỏ, lá, cành, đến thân gỗ quế đều bán được tiền. Vì vậy, quế đã trở thành cây chủ lực phát triển kinh tế của người Dao, là cây xóa đói giảm nghèo của huyện.
Cô gái Dao giới thiệu sản phẩm quế trong Lễ hội Quế Văn Yên, lễ hội được tổ chức hàng năm
Ông Hà Đức Anh, Phó chủ tịch UBND huyện Văn Yên, cho biết: Diện tích quế của huyện giờ đã trên 40.000 héc ta, mỗi năm đem lại khoản thu cho bà con khoảng 400 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn diện tích quế ở trong vùng người Dao. Những năm qua, tỉnh Yên Bái và huyện Văn Yên đã có nhiều chính sách giúp bà con phát triển cây quế, như: Giúp bà con gìn giữ giống gen trội của 90 cây quế cổ thụ; bảo vệ trên 14 ha quế tập trung là giống bản địa để nhân giống lâu dài…
Từ những lợi ích thiết thực, cây quế hiện đã được trồng và phát triển ở hầu khắp các xã của huyện Văn Yên và nhiều địa phương ở tỉnh Yên Bái. Với riêng đồng bào Dao thì cây quế đã thực sự là cây “cận thân hộ vệ” trong cuộc sống của họ.
Thừa Xuân/VOV-Tây Bắc
Viết bình luận