Cây quế Văn Yên làm giàu cho người Dao
Thứ tư, 00:00, 09/11/2016 hải - CT hải - CT

(VOV4) - Cây quế ở Văn Yên là cây trồng có từ lâu đời, gắn liền với truyền thống, tập quán, văn hóa của đồng bào Dao. Cây quế đã giúp nhiều gia đình làm giàu và trở thành cây xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc nơi đây.

 

Cây xóa đói giảm nghèo cho đồng bào Dao ở Văn Yên

 

 

Huyện Văn Yên, Yên Bái, có diện tích cũng như sản lượng quế đứng đầu cả nước, hơn 40.000 ha. Trong đó, quế có chất lượng tốt nhất tập trung tại các xã nằm ở khu vực hữu ngạn sông Hồng như Mỏ Vàng, Viễn Sơn, Đại Sơn, Tân Hợp... Toàn bộ 25.000 ha này nằm trong vùng được bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế Văn Yên.

 

Cây quế được chính quyền địa phương xác định là cây trồng chủ lực. Ngoài việc thực hiện các chính sách hỗ trợ của tỉnh như: Dự án trồng quế dọc hai bên cao tốc Hà Nội – Lào Cai đoạn chạy qua địa phận huyện Văn Yên; dự án hỗ trợ sản xuất quế cho đồng bào dân tộc thiểu số, huyện đã thực hiện nhiều chính sách để khuyến khích người dân trồng quế để làm giàu.

 

Theo ông Bàn Văn Lý, người trồng quế lâu năm ở xã Viễn Sơn: ở đây chỉ có cây quế là độc nhất, không có cây quế thì không có nguồn thu gì cả: "Cây quế có giá trị hơn các cây khác ở chỗ cây quế thì chúng tôi bán được vỏ quế, gỗ quế, và lá quế bán để cất tinh dầu. Cả cành vặt, nhỏ lẻ đều bán lấy tiền được. Tóm lại, cây quế không bỏ đi chỗ nào".

Cây quế ở Văn Yên thuộc họ long não, cây to, cao từ 10-20m, sau 7-8 năm có thể thu hoạch. Một năm vỏ quế được bóc hai lần vào vụ 3 (từ tháng 3-5) và vụ 8 (từ tháng 8-10). Khoảng 10 năm nay, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác, đã rút ngắn thời gian đến tuổi khai thác cây quế từ 10-20 năm sau khi trồng xuống còn 7-8 năm.

 

Quế Văn Yên nay đã có thương hiệu vững chắc trên thị trường.  Ảnh: baomoi.com

 

Mỗi năm, huyện Văn Yên gieo ươm trên 32 triệu cây giống quế cung ứng cho các địa phương trong và ngoài huyện. Tổng sản lượng quế đạt khoảng 5.500 tấn, sản xuất lá quế trung bình hơn 63.000 tấn và sản lượng gỗ quế đạt hơn 50.000 m3/năm.

 

Ông Bàn Văn Lý, ở xã Viễn Sơn, phấn khởi cho rằng cây quế đã và đang thực sự là cây xóa đói giảm nghèo của đồng bào nơi đây: "Ngày xưa ta muốn làm cái nhà thì khó, hàng mấy trăm triệu, khó lắm. Còn bây giờ có vài héc-ta cây quế thì chuyện làm nhà dễ dàng hơn rất nhiều. Muốn làm nhà thì bán một bãi nửa héc-ta đến 1 héc-ta quế thì làm nhà được ngay. Hay là muốn mua xe máy hoặc ô tô thì người ta toàn làm thế. Bán lúa, bán lợn để kiếm mấy trăm triệu xây nhà là không thể".

 

Theo ông Bàn Phúc Hín, Chủ tịch UBND xã Viễn Sơn, mọi người đều có tư tưởng phải chăm sóc quế. Sau mỗi đợt khai thác sẽ được trồng lại, không để chỗ nào đất trống.  

 

 

Mở rộng thị trường cho sản phẩm quế Văn Yên

 

 

Văn Yên có hơn 200 cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh quế. Trong đó có 3 HTX sản xuất, kinh doanh giống quế.

 

Anh Trần Văn Tráng, chủ doanh nghiệp thu mua vỏ quế tại xã Viễn Sơn, Văn Yên, cho biết, doanh nghiệp của anh đã liên doanh với Công ty hương gia vị Sơn Hà để thu mua toàn bộ sản phẩm từ vỏ quế của người dân. Sự liên doanh này mang lại ưu đãi tốt cho người bán:

 

"Tôi có thể thu mua cơ bản sản phẩm mà người nông dân làm ra và tạo điều kiện tốt nhất cho họ. Bây giờ tôi đăng ký làm quế sinh thái, là sản phẩm hữu cơ, thì ngoài giá không thấp hơn thị trường, doanh nghiệp còn trả thêm cho người nông dân khoảng 5% giá tiền trên một kg quế tươi, tương đương khoảng 2.000 đồng".

 

Cây quế giúp người Dao có cuộc sống ấm no.  Ảnh: baomoi.com

 

Theo ông Bàn Phúc Hín, vỏ quế và tinh dầu được sản xuất, tiêu thụ theo đơn đặt hàng. Thị trường tiêu thụ chủ yếu cho các tỉnh trong nước như Bắc Giang, Hà Nội và xuất khẩu đi các nước, vùng lãnh thổ như Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh, Pháp, Mỹ, Hà Lan và một số nước Trung Đông.

 

"Chúng tôi có rất nhiều mối quan hệ, phân rất nhiều loại khách hàng. Cũng có thị trường khó tính. Ví dụ quế mỏng thì bán sang thị trường Đài Loan và một số nước châu Á rất dễ. Nhưng đối với thị trường châu Âu, phải kiểm định qua khâu chế biến. Hiện chúng ta chỉ sơ chế, bán hàng khô, chưa bán sản phẩm tinh được vì chưa có cơ sở kiểm định".

 

Hiện nay, hàng năm huyện Văn Yên thu khoảng 400 tỷ đồng từ việc bán tinh dầu quế, hạt quế giống, vỏ quế và gỗ quế. Giá tinh dầu quế khoảng 500.000 đồng/kg; vỏ quế sơ chế có giá từ 32.000-35.000 đồng/kg, gỗ quế dao động từ 800.000-1 triệu đồng/m3.

 

Ông Lê Minh Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên, cho biết, ngoài những chính sách của tỉnh thì huyện có chính sách riêng giúp bà con phát triển cây quế. Trước hết là bảo tồn những giống quế trội. Huyện đang giao cho các hộ dân chăm sóc, gìn giữ giống gen trội của quế gồm 90 cây; trồng trên 14 ha quế tập trung là giống bản địa để nhân giống lâu dài.


Ông Lê Minh Đức cho biết địa phương đã phối hợp với một tổ chức của Hà Lan thực hiện dự án “Gia vị cuộc sống”. Đến nay đã thành lập được 24 nhóm hộ tại 12 xã, với gần 1.200 hộ tham gia. Huyện đã và đang làm tốt công tác quảng bá thông qua các sự kiện như Lễ hội Quế Văn Yên (từ năm 2015 đến nay).


Ông Bàn Văn Lý viết hẳn một bài thơ dài về cây quế Văn Yên, và khá nhiều người Văn Yên thuộc. Bài thơ có đoạn: "
Quế có giá trị tiền tài/ Quế là hàng hóa xuất ngoài tây phương/ Cây quế dễ cấy bình thường/ Trên đồi kẹ đá ven đường vẫn xanh/ Năm năm bóc tỉa đốn cành/ Kiếm đồng mắm muối ra xanh hàng ngày/ Mười năm khai thác hàng bầy/ Xây dựng kiến thiết có ngay nhà tầng/ Không sợ lo thiếu về ngân/ Hiến ra bãi quế có phần xe hơi/ Ti vi tủ lạnh đồ chơi/ Khang trang du lịch cho đời ung dung".

 

 

 

Hải Phong/VOV4

hải - CT

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC