(VOV4) - Các cộng đồng dân tộc thiểu số ở nước ta hiện đang nắm giữ một kho tri thức bản địa lâu đời về các bài thuốc nam. Trong số gần 4 nghìn loài cây thuốc ở Việt Nam đã được Viện Dược liệu thống kê năm 2007, có những bài thuốc, cây thuốc chữa được cả bệnh nan y. Đây là một nguồn tài nguyên quý giá. Hàng trăm, hàng nghìn bài thuốc nam được lưu truyền qua nhiều thế hệ đã có không ít bài thuốc bị thất truyền. Vì thế việc bảo tồn cây thuốc dân tộc và những bài thuốc gia truyền ở nhiều cộng đồng cần được quan tâm đúng mức.
Cộng đồng nào cũng có những bài thuốc nam bí truyền
Nhiều cộng đồng thiểu số ở nước ta, từ lâu đã biết dùng lá cây rừng để làm thuốc chữa bệnh. Người Dao, người Tày, Thái, Mông, Chăm, H’rê vv...đều có những bài thuốc bí truyền của riêng mình. Từ chữa những bệnh thông thường răng miệng, tiêu hóa, dạ dày cho đến một số bệnh nan y như bệnh tiểu đường, bệnh gút.
Bà lang Hoàng Thị Than, người Tày ở xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên (Lào Cai) cho biết: Người Tày có bài thuốc chữa đau bụng, đầy hơi cho con trẻ chỉ bằng 3 hột gấc và một ít hột bí đao giã nát gói vào miếng vải sạch xoa lên chỗ đau.
Còn bà lang Hà Thị Lỵ ở xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập (Lạng Sơn) nổi tiếng với bài thuốc chữa bệnh viêm xoang.
Lương y Lý Thị Mai, người Dao ở xã Ba Vì, huyện Ba Vì (Hà Nội) chữa được bệnh thoái hóa xương, thoát vị đĩa đệm bằng bài thuốc dân tộc Dao...
Ở Lào Cai, người Dao đỏ từ xa xưa đã biết sử dụng cây thuốc chữa bệnh và nổi tiếng với bài thuốc tắm độc đáo dành cho phụ nữ sau sinh. Theo PGS.TS Trần Văn Ơn (Đại học Dược Hà Nội), trong danh sách thảo dược của người Dao đỏ có gần 100 loại cây có thể bào chế 34 biệt dược, trong đó có 15 loại cây không thể thiếu để dùng cho bài thuốc tắm. Còn rất nhiều bài thuốc của các cộng đồng thiểu số đang tồn tại theo kiểu “gia truyền”.
Người Dao đỏ nổi tiếng về tài sử dụng cây thuốc chữa bệnh. Ảnh: baomoi.com
Nhằm giúp các cộng đồng thiểu số duy tồn cây thuốc quý và biến tri thức bản địa về sử dụng cây thuốc thành tài sản, các nhà khoa học như TS Trần Văn Ơn và các cộng sự đã nghiên cứu và triển khai nhiều dự án thành công, giúp đưa cây thuốc dân gian và những bài thuốc bí truyền của bà con dân tộc thành hàng hóa, giúp bà con dân tộc thiểu số phát triển kinh tế.
Có thể kể đến một số mô hình doanh nghiệp đã phát triển từ những bài thuốc dân gian, như: sản xuất thuốc tắm tại cộng đồng người Dao ở Tả Phìn, Sa Pa (Lào Cai); mô hình trồng cây gừng tía, tạo nguồn dược liệu và chiết xuất tinh dầu từ gừng tía dùng để xoa bóp giảm đau ở vùng người Giáy tại Bát Xát (Lào Cai); mô hình trồng cây thìa canh, có tác dụng chữa bệnh tiểu đường tại vùng người Tày, Dao, Sán Chay ở Yên Ninh, huyện Phú Lương (Thái Nguyên).
Cho đến nay, Người Dao đỏ ở Sa Pa đã thực sự làm chủ bài thuốc của mình, xây dựng được vùng nguyên liệu, trồng cây thuốc tại vườn rừng của gia đình.
“Mất người biết dùng thuốc, cây thuốc thành cây hoang dã...”
Đi đôi với bảo tồn cây thuốc thì việc gìn giữ và phát triển kho tri thức bản địa của thầy lang, thầy thuốc, của các cộng đồng dân tộc là vô cùng cần thiết.
GS.TS Trần Công Khánh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Cây thuốc Việt Nam cho rằng: “Thầy thuốc Đông y và các cộng đồng dân tộc thiểu số với kinh nghiệm dân gian về chăm sóc sức khỏe chính là một nguồn tài nguyên phi vật thể vô cùng quý báu. Nếu không được quan tâm bảo tồn, sự thất truyền tri thức, kinh nghiệm của họ sẽ là thiệt hại nghiêm trọng đối với đất nước. Bởi lẽ mất nguồn gen cây thuốc ở chỗ này có thể vẫn còn tìm được ở chỗ khác nhưng mất đi tri thức là mất mát vĩnh viễn. Mất cây thuốc thì không còn người chữa bệnh. Mất người biết dùng thuốc, cây thuốc thành cây hoang dã trong tự nhiên và cũng là mất đi cây thuốc vậy”.
Để gìn giữ và phát triển các bài thuốc dân tộc, PGS TS Trần Văn Ơn nhìn nhận ở góc độ đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ và sự chia sẻ lợi ích công bằng và hợp lý đối với người nắm giữ những bài thuốc quý. Ông cho rằng, đây chính là mấu chốt. Bởi vì, nếu không có ai thừa kế những bài thuốc "gia truyền" thì một khi các thầy lang khuất núi, các bài thuốc cũng theo đó mà về với đất, sự lãng phí là rất lớn. Và quan trọng nhất vẫn là tạo dựng lòng tin của những người nắm giữ các bài thuốc đối với xã hội, với cơ chế chính sách, để họ sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm quý báu của cha ông.
Vì vậy, cần tạo điều kiện thuận lợi, hướng dẫn bà con để họ biết cách đăng ký sở hữu trí tuệ đối với các bài thuốc gia truyền cũng như các bài thuốc của cộng đồng mình. Cùng với đó, cần công bố tri thức truyền thống dưới dạng tư liệu hóa để đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ đối với tri thức bản địa, đồng thời tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để các bài thuốc gia truyền được truyền nối trong cộng đồng trên cơ sở sự chia sẻ lợi ích một cách công bằng và hợp lý - TS Ơn nhấn mạnh.
Nam Vũ/VOV4
Viết bình luận