Chàng trai người Mông bỏ đại học để khởi nghiệp
Thứ sáu, 00:00, 19/05/2017

VTC News - Dù đang là sinh viên năm thứ 2 của trường Đại học Bách khoa Hà Nội, song chàng trai người Mông Khang A Tủa vẫn bỏ học, quyết tâm dành thời gian để biến ước mơ của mình thành hiện thực: lưu giữ văn hóa người Mông.
 

Từ "thủ khoa" vượt khó trong học tập

 

Khang A Tủa sinh ra và lớn lên trong một gia đình người dân tộc Mông tại bản Háng Tầu Dê, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Tủa là con cả trong gia đình có 5 con, cuộc sống của cả nhà chỉ trông chờ vào vài sào ruộng. Nhà xa trường nên ngay từ năm học lớp 3, Tủa đã phải xa nhà đi học. Không có tiền thuê nhà trọ, Tủa và em trai đã sinh sống trong một chiếc lều dựng gần trường học.

 

Tủa tâm sự: “Thời điểm đó, gia đình em rất nghèo, bố mẹ chỉ có thể cho hai anh em 5.000 đồng/tuần để mua thức ăn, vì vậy bữa cơm của anh em em chủ yếu là gạo trắng và rau má. Nhiều lúc chán nản muốn bỏ học, nhưng được thầy cô động viên, em lại tiếp tục đến trường”.

 

Khang A Tủa chia sẻ tại Diễn đàn "Hợp tác, kết nối và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số khởi nghiệp" năm 2017 do Ủy ban Dân tộc tổ chức

 

Vượt qua thời điểm khó khăn ấy, lên cấp 2, Tủa thi đỗ vào trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Mù Cang Chải với tổng điểm đứng thứ 2 của xã. Vì nhà nằm cách trường 20km nên Tủa đã ở nội trú tại trường. Do những năm cấp 1, việc học tập của Tủa thường xuyên bị bỏ dở, lại chủ yếu học bằng tiếng Mông nên khi xuống trường huyện học, em khá khó khăn trong việc học tiếng Kinh. Nhiều khi đi học, nhìn thời khóa biểu Tủa không hiểu gì nên em đã cầm hết tất cả sách vở mình có để đến lớp.

 

Cấp ba, Tủa theo học tại trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc tỉnh Thái Nguyên. Tại ngôi trường này, Tủa vẫn tiếp tục say mê với việc học. Ngoài thành tích học sinh giỏi lớp 11 và 12, năm lớp 11 em còn nhận 2 giải Khuyến khích của cuộc thi giải toán trên máy tính cầm tay tỉnh Thái Nguyên. Đặc biệt, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, Tủa đã xuất sắc đỗ thủ khoa của trường với số điểm 53,5.

 

Do hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn nên trong đợt tuyển sinh đại học vừa qua Tủa không có cơ hội đi ôn thi như nhiều bạn bè khác. Thời điểm Tủa thi xong tốt nghiệp THPT, bố em không may gặp tai nạn, vì vậy em đã trở thành lao động chính trong gia đình để đi cày, bừa và phụ giúp mẹ cấy lúa.

 

Kỳ thi tuyển sinh đại học, một mình lặn lội xuống Hà Nội thi đại học, với số tiền 2 triệu đồng, Tủa đã phải ăn mì tôm để có đủ tiền chi phí cho 2 đợt thi. Bõ công học tập, Tủa đã trúng tuyển vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (với tổng điểm 18,5) và Trường ĐH Nông lâm Thái Nguyên (với tổng điểm 19,5). Quyết định theo học tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ngày nhập học, Tủa chỉ có vẻn vẹn 3 triệu đồng vay từ ngân hàng. Kể từ đó, để có thể tự trang trải chi phí sinh hoạt, Tủa quyết định đi bán mì tôm dạo vào các buổi tối trong ngày.

 

...Đến “thủ lĩnh” thực hiện ước mơ

 

Dù đang là sinh viên năm thứ 2 của trường Đại học Bách khoa Hà Nội, song Khang A Tủa lại lựa chọn một quyết định khiến nhiều người bất ngờ: bỏ học đại học, dành thời gian thực hiện ước mơ của mình là lưu giữ văn hóa người Mông.

 

Về quyết định táo bạo và không giống ai của mình, Tủa chia sẻ: “Em cũng muốn đi học, nhưng trước mắt điều kiện kinh tế chưa cho phép. Có thể lúc nào đó kinh tế ổn, em sẽ đi học đại học lại. Nhưng quan trọng hơn là em muốn biến những dự định của mình thành hiện thực”

 

Tủa cho biết đang cùng nhóm bạn bắt tay vào thực hiện những dự án mà mình hằng ấp ủ. Hiện nay, Tủa là “thủ lĩnh” của nhóm ADH (Action for Hmong Development), gồm 9 thành viên chủ chốt và 20 tình nguyện viên thường xuyên, đều là người Mông, quê ở khắp các tỉnh miền núi phía Bắc, trải dài từ Điện Biên đến Hà Giang, gồm rất nhiều nhóm người Mông khác nhau như Mông Lềnh, Mông Đu, Mông Hoa, Mông Xanh, Mông Trắng...

 

Khang A Tủa cho biết, sau khi xem xét thực tế và tiếp xúc với các bạn người Mông khác, Tủa nhận thấy dù văn hóa của mỗi nhóm người Mông ở mỗi vùng có thể khác nhau, nhưng họ đều có chung những giá trị. Cụ thể như người Mông ở Mù Cang Chải (Yên Bái) thực hành tục lệ "kéo vợ" vào ban đêm, sau khi 2 bên trai gái đã đồng ý và chọn ngày lành tháng tốt; người Mông ở Sapa, Mường Khương (Lào Cai) lại thực hành vào ban ngày, với sự chứng kiến của người khác. Nhưng suy cho cùng đều là tạo cơ hội cho người con gái ở nhà chồng tương lai 3 ngày để tìm hiểu kĩ hơn về gia cảnh cũng như con người nhà chồng tương lai. Và trong 3 ngày này, đôi trai gái không được phép đi quá giới hạn nam nữ...

 

Ở mỗi vùng sẽ có những nét văn hóa khác nhau, nhưng truyện cổ tích thì đều giống nhau, đều kể về những anh hùng dân gian, những vị thần hộ mệnh của dân tộc, những mảnh đất tổ, những cách lí giải về hiện tượng cuộc sống, về nguồn gốc và tộc người... “Ngôn ngữ là yếu tố căn bản để giữ văn hóa, với một cộng đồng không có chữ viết thì truyện cổ tích chính là cách tốt nhất để giữ lại ngôn ngữ. Truyện cổ tích bằng tiếng mẹ đẻ là cách tốt nhất để lưu giữ lại văn hóa”, Tủa nói.

 

Bởi vậy, nhằm lưu giữ lại những câu truyện cổ tích của người Mông ở Việt Nam, cũng như truyền lại và làm tư liệu cho các dự án giáo dục song ngữ Việt - Mông trong tương lai, nhóm AHD hiện nay đang tiến hành dự án mang tên “Lưu giữ truyện cổ tích của người Mông”.

 

Tủa hi vọng, đây được xem như là một cách để giữ lại những nét văn hóa đẹp nhất, được nhiều trẻ em yêu mến nhất, và dễ dàng nhất cho bà con đồng bào người Mông của mình, tránh cho văn hóa Mông bị mai một dần. Đây cũng là hướng khởi nghiệp mà Tủa lựa chọn và kiên trì thực hiện.

 

Tủa tâm sự, mục đích của nhóm sẽ ghi lại những câu truyện cổ tích của người Mông ở Mù Cang Chải (Yên Bái), Sapa (Lào Cai), Đồng Văn (Hà Giang) và thể hiện trên các kênh truyền thông xã hội cũng như xuất bản đĩa bằng tiếng bản địa cho cộng đồng. “Ước mơ lớn nhất của em là được phục vụ cộng đồng, phục vụ bà con, mà trước hết là bà con đồng bào người Mông của em. Bởi suy cho cùng, ngay cả khi em học đại học ra trường, thì em cũng sẽ về quê hương để phục vụ bà con”, Tủa vui vẻ chia sẻ.

 

 

Lưu Thủy

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC