Chanh leo xóa đói nghèo cho vùng cao Nghệ An
Thứ tư, 00:00, 11/01/2017

(VOV) - Trước đây, xã Tri Lễ là thủ phủ cây thuốc phiện ở vùng cao Nghệ An. Từ khi nhà nước cấm trồng cây thuốc phiện, người dân nơi đây trồng cây chanh leo làm cây xóa đói giảm nghèo.

 

Hơn hai mươi năm, đối với người dân xã Tri Lễ, huyện biên giới Quế Phong, là quãng thời gian rất dài bởi nghèo đói và lạc hậu. Chính quyền và người dân đã tìm nhiều cách, nghèo vẫn hoàn nghèo. Nhưng từ khi cây chanh leo được chọn để trồng trên những triền đất hoang hóa thì sự đổi thay kỳ diệu đến vùng đất này.

 

Cũng từ đó, ông Lương Văn Thiết, ở bản Yên Sơn, mới biết làm ông chủ vay vốn hàng trăm triệu đồng để khai khẩn trồng 4 héc ta cây chanh leo, tạo công ăn việc làm cho dân bản.

 

Ươm giống chanh leo tại xã Tri Lễ để cung cấp cho người dân địa phương

 

 Ông Lương Văn Thiết cho biết: "Cây chanh leo rất phù hợp với vùng đất này. Nó chịu được mọi điều kiện của thiên nhiên nên tôi đầu tư vào đây để phát triển kinh tế, để tạo điều kiện cho nhân dân có công ăn việc làm".

 

Đưa cây chanh leo về vùng đất này, đầu tiên, huyện Quế Phong thí điểm tại 20 hộ thuộc các bản Yên Sơn, bản Đ1 và bản Xan. Huyện vận động các doanh nghiệp và cán bộ kỹ thuật giúp bà con trồng và chăm sóc cây chanh leo. Ngay từ vụ đầu, chanh đạt năng suất 17-18 tấn/ha; nhiều nhà thu về hàng chục triệu đồng. Vậy là người dân tin. Đến nay, Tri Lễ đã trồng được trên 500 ha cây chanh leo, 70 ha cho thu hoạch ổn định. 

 

Những triền dốc hoang hóa nay trở thành nương chanh leo bạt ngàn

 

Ông Lữ Đình Thi, Bí thư huyện ủy Quế Phong, cho biết: "Ngoài hỗ trợ bằng cơ chế chính sách của Trung ương qua Nghị quyết 30A thì tỉnh ban hành một số cơ chế chính sách hỗ trợ cho cây chanh leo, chẳng hạn như đối với hộ nghèo thì hỗ trợ 100% giống và 70% vật liệu để trồng cây; các hộ cận nghèo thì hỗ trợ 50%".

 

Tỉnh Nghệ An chủ trương lấy cây chanh leo làm cây xóa đói giảm nghèo cho các huyện vùng cao nên đã tập trung hỗ trợ từ việc chỉ đạo đến đầu tư, như xây dựng nhà máy sơ chế, bảo quản và bao tiêu sản phẩm chanh leo; phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung bộ và Công ty Cổ phần đầu tư phát triển nông nghiệp xây dựng Trung tâm sản xuất cung ứng giống tại chỗ cho người dân.

 

Nhiều người đã thành ông chủ vườn chanh leo ở xã Tri Lễ

 

Anh Vi Văn Sơn, ở bản Xan, xã Tri Lễ, cho biết: "Trước đây, em vào rừng kiếm các loại gỗ, củi và hái măng về bán, còn hiện tại công việc của em ổn định hơn. Hàng tháng em có thu nhập đều đặn hơn và công việc của em cũng nhàn hơn trước đây".

 

Theo các chuyên gia nông nghiệp, mỗi hécta chanh leo trồng tại Quế Phong có năng suất từ 65-70 tấn. Nếu đầu tư thâm canh tốt, năng suất có thể đạt cao hơn. Giá quả chanh leo hiện được thu mua 10.000đ/kg như hiện nay thì mỗi hécta có thể thu về 320 triệu đồng, người trồng chanh có lãi từ 200-250 triệu đồng/năm.

 

Chanh leo cũng được trồng ngay tại vườn nhà của người dân Tri Lễ

 

Ông Lương Thanh Hải, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, cho biết: "Gần đây, tỉnh Nghệ An đã nghiên cứu và đưa một số giống mới có hiệu quả kinh tế vào vùng dân tộc thiểu số, ví dụ cây chanh leo ở Quế Phong, cam V2 ở Quỳ Hợp, cây dược liệu đến vùng Kỳ Sơn, Tương Dương... Phải nói rằng đầu tư đã có hiệu quả rất lớn và đã nâng cao đời sống của đồng bào các vùng đó,  giúp xóa đói giảm nghèo bền vững".

 

Tri Lễ nay đã tìm thấy hướng đi giúp người dân thoát nghèo.

 

 

 

 

Quốc Khánh/VOV-Trung tâm Tin

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC