(VOV4) - Đến vùng đất Thanh Thủy, Vị Xuyên, Hà Giang, bạn sẽ nghe nói tới một loại chè shan đặc biệt. Chè shan Thanh Thủy được bà con dân tộc Tày gọi bằng cái tên dung dị là “chè chốt”, bởi nó được trồng trên cao điểm 602 - nơi xảy ra những trận chiến ác liệt thời kỳ chiến tranh biên giới.
Chè shan Thanh Thủy có hương vị rất riêng. Mới nhấp ngụm đầu tiên, vị ngọt lan tỏa đầu lưỡi, tựa như cỏ ngọt vậy.
Cả một khoảng sân nhà ông Lý Văn Phúc (dân tộc Tày, ở Nà Toong), thoang thoảng hương thơm thanh nhẹ. Cả nhà tất bật, mỗi người một công đoạn. Những đôi bàn tay thoăn thoắt. Trong câu chuyện với tôi, ông Lý Văn Phúc nhắc đi nhắc lại một nguyên tắc: công đoạn nào thì cũng cần tuân thủ đúng cách, ngay từ khâu chăm sóc cây cổ thụ, rồi thu hái chè. Nguyên liệu chế biến chè cần được thu hái vào những ngày trời không mưa. Tiêu chuẩn hái 1 tôm + 2 lá non, không có búp mù xòe (búp phát triển không bình thường, không có tôm). Hàng năm thì tháng 12, tháng giêng đốn để có chè vụ xuân.
Hái chè Shan tuyết cổ thụ. Ảnh:dantri.com
Thu hái chè xong, mang về phơi mỏng, để chè khô sương và thoát hết khí nóng ẩm. Chè tươi rải đều trên sàn nhà, độ dày 10-15 cm, dùng quạt làm cho ráo nước. Rồi đến công đoạn diệt men, được coi là khó nhất, phải đảm bảo cả về nhiệt độ và lượng chè cho vào. Khó ở chỗ nếu không cẩn thận thì nước đỏ và chè không ngon. Lò phải thật nóng, chè càng héo nhanh thì nước càng xanh. Đấy là bí quyết.
Khi vừa kết thúc quá trình lên men chè, ông Phúc vò qua chè. Dưới bàn tay thô ráp của ông, những cánh chè dần bóng lên, cong lại như con tôm.
Sản xuất chè thủ công cần nhất sự kiên trì và liên tục một quá trình. Cả nhà ông Phúc 4 người làm không ngơi nghỉ từ 8h sáng đến 5h chiều. Sau đoạn thu hái, diệt men, vò chè, là sàng tơi, sao khô rồi đổ ra nong, nhặt nhạnh phần lá già sót lại, sảy sạch cám. Rồi lại tiếp tục cho chè vào sao thêm chút nữa. Khi thấy hương thơm là kết thúc phần lên hương.
Suốt một ngày theo dõi quy trình sản xuất chè của gia đình ông Phúc, tôi không thấy ông bỏ qua một bước nào. Ông Phúc bảo: "Vất vả lắm, buổi sáng thì đi hái, trời nắng mới được hái, trời mưa không hái được. Buổi chiều bắt đầu sao, sao đến khô hết thì đem ra vò, vò rồi lại sao, vò thành hai lần, nhưng bằng tay cơ, trên cái cót này. Mình đảm bảo vệ sinh, mình tính phục vụ lâu dài, người thật thà mình không làm dối".
Hái chè vào lúc sáng sớm. Ảnh: TTXVN
Nhìn cái cách ông Phúc nâng niu từng lá chè để không bị dập nát, rồi đến khi xong công đoạn cuối, vẫn thái độ nâng niu, ông vun từng nắm nhỏ cho vào bao ủ kỹ, mới thấy người thưởng thức vì sao cần chậm rãi, để thấm hết vị tinh túy trong mỗi búp chè, để thấu hết những giọt mồ hôi của người sản xuất. Tôi nhẹ nâng lên chén trà thành phẩm sau một ngày lao động của gia đình ông Phúc, hít hà vị đậm và ngọt hậu. Thoảng trong hương gió của buổi chiều tà là mùi thơm dịu quyến rũ.
"Đây không ướp không trộn cái gì, cứ nguyên chất cái mùi của chè thôi. Có tiếng là chè sạch không có đạm, không bón thuốc trừ sâu, không có chất kích thích, không phun thuốc diệt cỏ, đảm bảo an toàn luôn, một tháng chỉ hái đúng 1 vụ, ví dụ cuối tháng mình hái thì sang tháng sau mới hái tiếp, không nóng vội được. Có lúc cần lắm nhưng chè chưa mọc thì cũng không. Uy tín của mình làm chè từ xưa đến nay nên mình vẫn đảm bảo chất lượng, không pha không trộn gì thêm, không lấy chè khác nào vào để bán đâu, cứ nguyên chất thôi" - ông Phúc nói.
Cũng chính vì làm thủ công mà các thành viên trong gia đình đều tham gia vào tất cả các công đoạn, rất thuận lợi cho việc truyền dạy bí quyết nghề. Với ông Phúc, truyền thống chưa bao giờ mất, nó càng là động lực để gia đình ông, con cháu ông làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Nếu có dịp đến Thanh Thủy, bạn đừng quên mang một vài cân chè Nà Toong của người Tày về làm quà. Bởi với địa hình, khí hậu riêng có, lại trồng ở độ cao từ 500m-2000m so với mực nước biển, chè nơi đây mang hương vị không phải nơi nào cũng có.
Thu Hòa/VOV4
Viết bình luận