Chi Lăng đầu tư sản xuất nông sản thế mạnh
Thứ ba, 00:00, 21/03/2017 Hoàng Minh  -   1 ảnh Hoàng Minh - 1 ảnh

VOV4.VN - Là một huyện miền núi của tỉnh Lạng Sơn, Chi Lăng có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển chăn nuôi và trồng cây ăn quả. Tuy nhiên, lợi thế ấy lại chưa được khai thác hiệu quả. Tháng 7/2016, Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã ra nghị quyết Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030.

 

Na là cây trồng truyền thống hiệu quả kinh tế cao, nên xã Chi Lăng tập trung vào cây na là cây mũi nhọn. Xã cũng vận động bà con thay thế những giống cây hiệu quả kinh tế chưa cao bằng những giống cây có giá trị cao như cam Canh hoặc bưởi Diễn.

 

Bà Triệu Thị Tám, Chủ tịch Hội Nông dân xã Chi Lăng, cho biết: “Những nông dân có mô hình bưởi Diễn, có những gia đình được 160 triệu, họ đến tận nơi mua. Huyện hỗ trợ phân bón cho những mô hình. Bà con rất phấn khởi. Có lớp tập huấn về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phân bón, chăn nuôi thì bà con đi đầy đủ lắm”.

 

Ông Đoàn Văn Thi, Phó bí thư thường trực Đảng ủy xã Chi Lăng, cho biết hiện xã đã có khoảng 10ha trồng bưởi Diễn và gần 3ha trồng cam Canh. Ngoài ra, còn một số diện tích nhỏ lẻ khác trồng bưởi da xanh, táo hoặc đu đủ… Trước khi chỉ đạo bà con chuyển đổi, Đảng ủy xã đã tổ chức cho các trưởng thôn, bí thư chi bộ thôn đi tham quan, học hỏi một số mô hình ở các tỉnh bạn, đồng thời đề ra kế hoạch nghiên cứu thị trường tiêu thụ, biên độ dao động giá cả để có khuyến cáo kịp thời cho bà con

Không chỉ Chi Lăng mà các xã khác cũng đều đã xây dựng kế hoạch phát triển quy mô, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp là thế mạnh của địa phương như ngựa bạch của xã Hữu Kiên, mỳ khô (còn gọi là cao khô), gà vàng của Vạn Linh…v..v.

 

Người dân Vạn Linh làm mì khô. Ảnh: Hoàng Minh

 

Ông Đàm Quang Thắng, Chủ tịch UBND xã Hữu Kiên, cho biết: “Xã tiếp tục chỉ đạo về việc thành lập các mô hình sản xuất, như thành lập các tổ hợp tác đăng ký thương hiệu sản phẩm để cho sản phẩm cao khô Vạn Linh thâm nhập siêu thị, trung tâm thương mại, thì sẽ tạo điều kiện cho bà con tăng thu nhập”.

 

Sau chưa đầy 1 năm thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các xã, thị trấn đã xác định được sản phẩm chủ lực. Theo ông Lương Thành Chung, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Chi Lăng, thời gian tới, phòng sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn xác định những cây-con chủ lực là thế mạnh của địa phương, xây dựng các mô hình chuyển đổi có giá trị làm điểm nhấn để bà con học tập và mở rộng.

 

Hướng tới giải quyết vấn đề nhân lực, tìm đầu ra cho sản phẩm

 

Ngành nông nghiệp của Chi Lăng vẫn bộc lộ những yếu kém như quy mô sản xuất nhỏ lẻ, diện tích manh mún, thiếu sự liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân và doanh nghiệp. Và thiếu nhân công. Lực lượng lao động trẻ, hoặc là đi học các trường chuyên nghiệp rồi bám trụ lại thành phố, hoặc đi làm công nhân trong nhà máy, xí nghiệp.

 

Gia đình ông Nông Quốc Mao, ở xã Hữu Kiên, có đàn gia súc gồm 13 con ngựa bạch, 30 con bò và 6 con trâu. Gia đình ông vẫn thả rông để đàn gia súc tự kiếm ăn, vì vậy dù đã tham gia nhiều lớp tập huấn, ông vẫn không thể áp dụng được: “Tập huấn để biết quản lý bệnh tật của nó thôi. Mình chăn nuôi theo tập huấn thì phải có chuồng trại, phải có thức ăn cho nó hàng ngày. Có hai vợ chồng chăm sóc đàn trâu đàn ngựa như thế thì sáng mình thả lên đồi, chiều về, con nào gầy hơn thì mình thêm cỏ cho nó ăn thôi”.

 

Cũng chung cái thiếu về nhân lực như gia đình ông Mao, nhiều hộ trồng na cho biết: na Chi Lăng trồng trên núi đá, thu hoạch hết sức khó khăn. Na vận chuyển từ trên núi xuống đường cái bằng hệ thống dây cáp, tời. Xuống đến đường cái, không đủ nhân công và thời gian dán tem mác từng quả. Nếu không tiêu thụ nhanh, na dễ bị dập vỡ. Vậy nên bà con chấp nhận giá cả bấp bênh, bán thẳng cho tư thương còn hơn là dán tem mác và tìm đầu ra ổn định hơn.

 

Theo ông Lương Thành Chung: Phòng sẽ tiếp tục tham mưu cho huyện triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao sản lượng, giá trị nông sản, với hi vọng có thể thu hút được lao động ở lại địa phươn; tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đồng thời cam kết tạo điều kiện thuận lợi, môi trường lành mạnh cho các doanh nghiệp đến khảo sát, lập dự án đầu tư.

 

 

 

Hoàng Minh/VOV4

Hoàng Minh - 1 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC