Gắn bó với cây ngô, cây sắn trên nương, cuộc sống của chị Phàn Thị Tốc ở bản Liếm Xiên, xã Song Pe, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, vẫn khó khăn.
Bản Liếm Xiên là bản nghèo, thuộc vùng sâu của huyện, nơi đồng bào Dao sinh sống. Năm 2012, gia đình chị Tốc được hỗ trợ vay vốn 30 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện. Chị bàn tính mua bò sinh sản về nuôi, rồi tích cóp thêm ít vốn mua đôi dê cái sinh sản về nhân giống.
"Cứ để lại rồi nhân giống, bây giờ gia đình em đã có 11 con bò. Tích góp đi mua 2 con dê cái về nuôi nhân giống, nay được 30 con" - chị Tốc nói.
Chị Phàn Thị Tốc - người phụ nữ Dao làm kinh tế giỏi. Ảnh: sonlatv.vn
Chịu khó học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi qua sách báo, ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, mô hình chăn nuôi của gia đình chị Tốc thu nhập từ 50 - 100 triệu đồng/năm. Có vốn, chị mua máy ấp trứng để nhân rộng đàn gia cầm.
Chị Tốc cho biết: "Mô hình này em áp dụng vào thấy hiệu quả về kinh tế cho gia đình. Gia đình thoát nghèo đến nay đã được 3 năm rồi".
Chăn nuôi có dư, chị Tốc giúp cho nhiều chị em khó khăn chút vốn để làm ăn. Chị Lý Thị Phúc, Chi hội trưởng phụ nữ bản Liếm Xiên, cho biết: "Hội viên ở đây học hỏi kinh nghiệm làm ăn từ Tốc truyền lại, để nhiều gia đình khác sẽ chăn nuôi dần dần như thế này, để cuộc sống nâng lên, mỗi ngày mỗi tiến bộ".
Mô hình kinh tế của gia đình chị Phàn Thị Tốc so với nhiều người chưa phải là lớn, nhưng đó là niềm mơ ước của nhiều người ở vùng quê này. Chị Tốc suy nghĩ: "Mình là đảng viên nên cần phải gương mẫu, trước hết là phát triển kinh tế để gia đình có điều kiện sống tốt hơn, sau đó là đóng góp một phần nhỏ bé vào xây dựng nông thôn mới ở địa phương".
Thanh Thủy/VOV-Tây Bắc
Viết bình luận