Chuối tây thành cây làm giàu ở Thanh Vận
Thứ tư, 00:00, 14/09/2016 Phú CT Phú CT

(VOV4) - Mô hình trồng chuối tây xen cây dược liệu ở xã Thanh Vận là mô hình thí điểm, quy mô nhỏ, đã phát triển khá tốt.



 

Nhà chị Hà Thị Năm, dân tộc Tày, ở xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn, có 5 người, quanh năm chỉ trông chờ vào 2 ha đất dốc. Mưa bão, đất bị xói mòn, trồng ngô, trồng lúa thì vụ được vụ không, nên thiếu đói quanh năm. Tham gia mô hình trồng chuối tây xen cây dược liệu như gừng và cây lá khôi, sau một năm chị đã được thu hoạch và để ra được khoản tiền không nhỏ.

 

Đời sống dần ổn định, chị tính chỉ vài năm nữa thôi sẽ mở rộng diện tích chuối và cây dược liệu với niềm tin có thể làm giàu: “Năm đầu mình trồng chuối xen gừng. Năm thứ hai, thứ ba, không trồng gừng nữa, mình trồng cây lá khôi, vì cây lá khôi ưa bóng râm, không cần ánh nắng. Cây khôi mới thực nghiệm nên trồng ít, còn gừng thì 1ha mỗi năm thu được 3 tấn gừng. Bình quân được 30 triệu/năm chuối với gừng. Lúa, ngô đủ ăn hàng ngày cho gia đình, không cần phải mua gạo. Thu nhập tăng nhanh lắm”.

 

Thu hoạch chuối tại xã Thanh Vận. Ảnh: backan.gov.vn

 

Thành lập cách đây 5 năm, ban đầu chỉ có 30 thành viên, đến nay nhóm sở thích trồng chuối tây xen cây dược liệu ở xã Thanh Vận đã có gần 400 thành viên, chủ yếu là phụ nữ. Nhóm được chia làm 6 tổ, hỗ trợ  nhau về giống, cách chăm sóc và tìm đầu ra cho sản phẩm.

 

Chị Tống Thị Vân, trưởng nhóm, cho biết: “Cây chuối tây là cây của địa phương, cho nên thích nghi rất  tốt với điều kiện khí hậu, dễ trồng, thu hoạch nhanh, có  giá trị kinh tế cao. Hiện giờ chúng tôi có hơn 320 ha, thu nhập bình quân 28 triệu/hộ/năm. Chúng tôi đang xây dựng quỹ, có nhóm trưởng, nhóm phó để có sự kết nối với nhau”.

 

Bên cạnh việc giúp đỡ lẫn nhau, chị em được cán bộ Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông - lâm nghiệp miền núi ADC, thuộc Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, hỗ trợ về thủ tục pháp lý để xây dựng thương hiệu. Anh Lê Thanh Việt, cán bộ Trung tâm ADC, cho biết: “Cây chuối tây sống ở đây hàng trăm năm rồi, không quá khó đối với người dân. Nó là một trong những cây mũi nhọn có thể xóa đói giảm nghèo".

 

Thương lái về tận bản thu mua chuối. Ảnh: backan.gov.vn

 

Theo chị Tống Thị Vân, tham gia mô hình trồng chuối xen cây dược liệu, nhiều lao động không còn phải đi làm ăn xa, cũng không còn phải vào rừng chặt gỗ, đốn củi, kiếm măng nữa. Và cũng qua rồi cuộc sống bấp bênh, bữa no bữa đói.

 

Thành lập HTX và hướng đi cho cây chuối

Chị Hà Thị Năm cho biết: trồng chuối thì hiệu quả đã thấy nhưng cũng lo lắm khi mà diện tích và số lượng chuối cứ ngày một tăng, cây dược liệu thì dễ bán hơn, lại để được lâu, chứ chuối bảo quản khó hơn. Bà con lo nhất là bị ép giá, hoặc bị phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái.

Anh Lê Thanh Việt, cán bộ Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông lâm nghiệp miền núi ADC, cho biết thời gian tới, Trung tâm sẽ cùng bà con bàn bạc hướng giải quyết để xây dựng thương hiệu cho cây chuối xã Thanh Vận: "Trong thời gian tới sẽ định hướng và hỗ trợ bà con xây dựng thương hiệu sản phẩm, gắn nhãn mác để thâm nhập vào các thị trường nội địa thông qua hệ thống các siêu thị. Chúng tôi cũng đang định hướng xây dựng chỉ dẫn địa lý cho chuối tây Bắc Kạn để người tiêu dùng biết đến".


Mô hình trồng chuối tây xen cây dược liệu ở xã Thanh Vận đã lọt vào danh sách 25 mô hình sáng kiến giảm nghèo dựa vào cộng đồng, được Văn phòng Quốc gia giảm nghèo, Bộ LĐ-TB&XH đánh giá cao về tính hiệu quả.

 

 

 

Việt Phú/VOV4

 



Phú CT

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC