Đây là tầm nhìn mà Hiệp Hội cà phê Buôn Ma Thuột hướng tới thông qua Cuộc thi Rang cà phê Việt Nam 2022 được tổ chức mới đây tại Đắk Lắk.
Cuộc thi Rang cà phê Việt Nam 2022 (Vietnam Amazing Roast Master 2022) do Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột tổ chức là sự kiện được cộng đồng cà phê trong cả nước quan tâm. Đây là cuộc thi lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam với quy mô cấp quốc gia nhằm tạo “sân chơi” cho cộng đồng cà phê và từng bước hình thành một đội ngũ rang cà phê chuyên nghiệp đẳng cấp quốc tế, đặc biệt là về rang cà phê Robusta.
Thí sinh Đoàn Tuấn Nhật đến từ tỉnh Lâm Đồng cho biết: Tham gia cuộc thi này tôi thấy lượng kiến thức rất lớn, rất chuyên sâu. Là một thợ rang thì trong cuộc thi này phải đánh giá được chất lượng nhân xanh ngay từ nguyên liệu thành phần, những gì có trong nhân để mình rang mong muốn lấy nó ra. Tiếp theo, sau khi rang ra có thành phẩm mình cũng phải pha chế để xác minh lại mình đã rang được nó có đúng trong bản chất cà phê nhân không. Nghĩa là một thợ rang chuyên nghiệp phải đánh giá được sản phẩm trước và sau khi rang. Những điều này đều có trong phần thi.
Thí sinh đánh giá mẫu nhân xanh trước khi rang
Trong 4 ngày (từ ngày 6 đến 9/10), 35 thí sinh đến từ 13 tỉnh thành trong cả nước đã trải qua các nội dung thi, gồm: đánh giá mẫu nhân xanh; làm quen với máy rang, thiết bị, nguyên vật liệu; thực hành rang; pha chế, giới thiệu về sản phẩm.
Trước đây các cuộc thi rang thiên chuyên môn nhiều nhưng cuộc thi này còn có yếu tố là khách hàng (người tiêu dùng) và đề cao sản phẩm cà phê đặc sản Việt Nam, gu truyền thống của người Việt Nam. Chính vì vậy, tham gia cuộc thi này, người rang không chỉ đóng vai trò làm sáng tỏa hương vị mà truyền tải nó đến với người tiêu dùng cũng như biết đánh giá kết quả sản phẩm rang của mình.
Thí sinh Nguyễn Thị Thu Hương, tỉnh Đắk Nông chia sẻ, hiện nay, cà phê của Việt Nam đang cải thiện rất tốt về mặt chất lượng, chính vì vậy gu của người tiêu dùng cũng được phát triển một cách rõ rệt. Họ có nhu cầu thưởng thức về hương vị cũng như muốn tìm hiểu các tiêu chuẩn về cà phê sạch, các thông tin liên quan đến nguồn gốc nguyên liệu sử dụng... Đây là cơ hội lớn để tôi có thể cải thiện hương vị trong quá trình làm sản phẩm của mình nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng của mình.
Việc tiêu dùng cà phê Việt Nam đã có lịch sử lâu đời hàng 100 năm cùng với quá trình phát triển của cây cà phê. Đến thời điểm này Việt Nam đã bắt kịp được các trào lưu, trình độ công nghệ rang của thế giới, những gì tiên tiến nhất về công nghệ cũng đã có ở Việt Nam. Tuy nhiên thiết bị máy móc không thay thế được con người, vì đầu vào nguyên liệu cà phê rất đa dạng nên cần có những người được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, sử dụng máy rang thành thạo mới ra được sản phẩm cà phê chất lượng tốt.
Ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty Simexco Đắk Lắk, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, Trong chuỗi nguồn cung, nông dân có sản phẩm thì những người sử dụng cũng phải biết nâng tầm sản phẩm đó lên. Người rang xay là người trực tiếp nhận nguồn cà phê nhân này, nên để tiếp tục phát triển thị trường không những chúng ta phát triển nguồn cung mà phải phát triển cầu nữa. Nếu cứ sản xuất đặc sản đại trà mà không biết sử dụng thì sẽ quay lại câu chuyện cung vượt cầu dẫn đến tình trạng rớt giá.
Cuộc thi Rang cà phê Việt Nam không chỉ tôn vinh những người rang giỏi mà còn tôn vinh được những hạt cà phê Robusta Việt Nam lên xứng tầm. Đây cũng là hành trình tiếp theo mà những người tâm huyết với ngành hàng cà phê muốn hướng tới nhằm khẳng định Việt Nam không chỉ sản xuất được cà phê đặc sản mà còn biết sử dụng, tiêu dùng cà phê đặc sản chế biến sâu./.
Hương Lý/ VOV Tây Nguyên
Viết bình luận