Đại thủy nông Nậm Rốm – Dấu ấn lịch sử của Thanh niên xung phong tại Điện Biên
Thứ hai, 00:00, 17/07/2017
VOV4.VN - Khi chưa có công trình Đại thủy nông Nậm Rốm, nguồn nước tưới cung cấp cho cả cánh đồng Mường Thanh chỉ nhờ vào nước trời, gieo cấy được khoảng 1.000 ha lúa mùa. Từ khi công trình thủy lợi lớn thứ 2 miền Bắc thời bấy giờ đi vào hoạt động, thì cánh đồng ở xứ Mường Then - Mường Trời mới có khả năng tự chủ nước tưới, nâng tổng diện tích gieo cấy lên gấp nhiều lần. Công trình này đã ghi dấu ấn lịch sử quan trọng của lực lượng Thanh niên xung phong tại vùng đất lịch sử Điện Biên và giờ đây vẫn là “mạch sống” giữ vị trí vô cùng quan trọng đối với cánh đồng lớn nhất khu vực Tây Bắc này.

 

Ngày 3 tháng 10 năm 1963, Công trường Đại thủy nông Nậm Rốm chính thức được khởi công xây dựng. Hơn 2.000 cán bộ, đội viên gồm hơn 800 thanh niên tháng 8 Thủ đô và thanh niên nhiều tỉnh miền xuôi như Hưng Yên, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Nam Định, Thanh Hoá… đã xung phong lên Điện Biên. Họ mang sứ mệnh và trọng trách cao cả là phải hoàn thành công trình Đại thủy nông Nậm Rốm trong thời gian sớm nhất để tạo nên “mạch sống” cho Điện Biên thoát khỏi tình trạng thiếu đói, giáp hạt.

Đại thủy nông Nậm Rốm đã hoàn thành sau gần 7 năm, trong hạnh phúc vô bờ của người dân Mường Thanh. Công trình gồm: đập tràn bằng đá hộc và bê tông dài 127 mét qua sông Nậm Rốm; hệ thống tường chắn bằng bê tông cốt thép dài 68 mét, cao 17 mét; hệ thống cống lấy nước, cống xả cát và hơn 34km kênh dẫn nước ôm trọn cánh đồng Mường Thanh. Trong đó, kỳ vĩ nhất là đập đầu mối công trình dâng nước có dạng thủy lực tràn ofixerop, xây bằng đá bọc bê tông, có chiều cao hơn 9 mét nằm ở cửa ngõ Him Lam của thành phố Điện Biên Phủ. Từ đập đầu mối này, nước sẽ được chia đều sang hai tuyến kênh Tả - Hữu làm nhiệm vụ “dẫn thủy, nhập điền” cung cấp nước tưới cho toàn bộ cánh đồng Mường Thanh.

Ông Trần Công Chính, Hội trưởng Hội Cựu Thanh niên xung phong tỉnh Điện Biên, một trong những người đầu tiên tham gia xây dựng công trình và trải qua bao gắn bó, thăng trầm lịch sử với công trình từ đó đến nay, cho biết:

"Riêng công đoạn ngăn dòng để mà thi công nền móng của đập rất khó khăn bởi vì lúc bấy giờ thi công hoàn toàn thủ công. Đắp đất thủ công, đắp đê quai xanh thủ công, tất cả các công đoạn đều thủ công hết. Do đó chặn lại cả 1 con sông để tạo ra khoảng trống để mà xây dựng móng của đập dâng nước là một việc cực kỳ khó khăn. Lúc bấy giờ tập trung toàn bộ lực lượng cán bộ kỹ thuật và lực lượng thanh niên xung phong phải khỏe mạnh, nhanh nhẹn làm việc 24/24 thi công không có lúc nào ngớt".

Những năm tháng lao động xây dựng công trình Đại thủy nông Nậm Rốm cũng là lúc mà đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc ác liệt nhất. Khi đó, lực lượng Thanh niên xung phong phải trải qua muôn vàn khó khăn vất vả, khi vừa phải thi công một công trình thủy lợi với quy mô lớn bằng toàn bộ sức người, vừa phải chống trả máy bay địch bắn phá dữ dội. Doanh trại của các tổ, đội liên tục phải sơ tán vào rừng tránh máy bay, pháo sáng của địch. Ban ngày vào rừng sơ tán, ban đêm lại ra đào đắp, đổ bê tông xây dựng công trình. Trên công trường khi đó đã có 18 thanh niên xung phong hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.

Với khẩu hiệu “ba bù” (bù mưa, bù ốm, bù phòng không), lực lượng thanh niên xung phong tham gia xây dựng công trình đã tăng ca, đẩy giờ làm việc lên từ 10 đến 12 giờ lao động/ngày, như để khẳng định sức trẻ, sự đoàn kết, lòng quả cảm, nhiệt huyết và thái độ hăng say làm việc của thế hệ thanh niên xung phong thời bấy giờ.

Ông Nguyễn Ngọc Ơn, cựu Thanh niên xung phong Công trình Đại thủy nông Nậm Rốm, nhớ lại: "Đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt ban ngày thì chúng tôi làm đêm. Làm đêm, pháo sáng địch bắn xuống rất sáng thì chúng tôi lại tiếp tục sơ tán, khi nào hết pháo sáng chúng tôi lại ra lao động. Có thể nói thời kỳ đó rất gian khổ, vất vả và cũng rất ác liệt. Chúng tôi chỉ nói một câu ngắn gọn như thế này là chẳng sờn ý chí niềm tin, chúng tôi vẫn giữ vững niềm tin và ý chí, quyết tâm làm cho được xong công trình đảm bảo đúng tiến độ thi công mà trên đã đặt ra".

Hơn 5 thập kỷ trôi qua, ngày nay, Đại thủy nông Nậm Rốm - công trình mang đậm dấu ấn sức trẻ của lực lượng thanh niên xung phong tại Điện Biên vẫn ngày đêm lặng lẽ đưa nước về tưới tiêu cho cánh đồng Mường Thanh, đưa thâm canh tăng vụ từ 1 lên 2 vụ lúa và trồng cây vụ Đông, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Năm 2003, hệ thống kênh mương được bê tông hóa dần dần hoàn thiện, kết hợp với việc xây dựng và đưa vào sử dụng, khai thác chùm hồ gồm 9 hồ lớn trên địa bàn, nên diện tích tưới ngày càng được nâng cao. Nếu năm 1984, tổng diện tích lúa 2 vụ của Điện Biên chỉ gần 2.400 héc ta, thì đến năm 2013, tổng diện tích lúa 2 vụ của tỉnh đã tăng lên hơn 7.000 héc ta, năng suất lúa tăng từ 20tạ/héc ta lên trên 60 tạ/héc ta.

Và đúng dịp kỷ niệm 61 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 7/5/2015, Công trình Đại thủy nông Nậm Rốm đã được tỉnh Điện Biên tổ chức lễ công bố Quyết định và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Điều này thể hiện sự tri ân đối với các thế hệ cha anh đi trước, đồng thời cũng là lời nhắc nhở thế hệ đi sau gìn giữ, phát huy các giá trị kinh tế, lịch sử quan trọng của công trình này.

Đập tràn bằng đá hộc và bê tông dài 127 mét qua sông Nậm Rốm là công trình quan trọng nhất của Đại thủy nông Nậm Rốm

Đập có dạng thủy lực tràn ofixerop, xây bằng đá bọc bê tông, có chiều cao đập hơn 9 mét, nằm ở cửa ngõ Him Lam của thành phố Điện Biên Phủ

Tiếp đó là hơn 34km kênh Tả - Hữu dẫn nước ôm trọn lấy cánh đồng Mường Thanh...

...khiến Đại thủy nông Nậm Rốm trở thành "mạch sống" không thể thiếu của nông nghiệp Điện Biên.

Các tuyến kênh này có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho toàn bộ cánh đồng Mường Thanh...

... và nguồn nước phục vụ cho nuôi trồng thủy sản của người dân vùng lòng chảo

Đại thủy nông Nậm Rốm gắn bó với người dân xứ "Mường Trời" trong từng sinh hoạt hàng ngày.

Toàn cảnh tuyến Kênh Hữu dài hơn 18km, trên kênh có 25 cống đầu kênh cấp I; 9 cống tiêu dưới kênh, 9 cầu máng

Nếu năm 1984, tổng diện tích lúa 2 vụ của Điện Biên chỉ gần 2.400 héc ta, thì đến năm 2013, tổng diện tích lúa 2 vụ của tỉnh đã tăng lên hơn 7.000 héc ta, năng suất lúa tăng từ 20tạ/héc ta lên trên 60 tạ/ha

Từ khi công trình thủy lợi lớn thứ 2 miền Bắc này thời bấy giờ, sau công trình thủy lợi Bắc - Hưng - Hải, đi vào hoạt động, thì cánh đồng ở xứ Mường Then - Mường Trời mới có khả năng tự chủ nước tưới, nâng tổng diện tích gieo cấy lên gấp nhiều lần

Giá trị lịch sử và vai trò thiết thực mà “mạch sống” này dem lại cho người dân Điện Biên không bao giờ thay đổi

 

 

Vũ Lợi/VOV-Tây Bắc

 

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC