Dạy nghề cho nông dân làm được nghề
Thứ sáu, 00:00, 29/07/2016 P bt P bt

(VOV) - Trung tâm dạy nghề huyện Krông Ana, tỉnh Đắc Lắc, đã triển khai cả trăm lớp đào tạo ngành nghề theo nhu cầu của địa phương cũng như trình độ của học viên. Cách làm này đã giúp nông dân nâng cao năng lực sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi.





 

Canh tác 5 sào đất và đi làm thuê quanh năm, thu nhập cũng chỉ đủ để vợ chồng Y Liễu Byă, ở buôn Cuê, xã Băng Ađrênh, chi tiêu và nuôi hai con nhỏ.  Năm 2012, được cán bộ Trung tâm dạy nghề huyện Krông Ana xuống địa phương tuyên truyền, vận động, anh quyết định tham gia học lớp sửa xe máy.  Sau 6 tháng học nghề,  anh vay vốn mở tiệm sửa chữa xe máy.  Chỉ sau một năm, anh đã trả hết nợ. Và từng bước tích góp, anh đã xây nhà, mở quán hàng tạp hóa cho vợ. Kinh tế gia đình ngày càng khá giả. 

 

Anh Y Liễu Byă cho biết: "Trước khi học sửa xe, thu nhập ngày nào chỉ đủ dùng cho ngày đó. Học xong, tôi mở cửa hàng sửa xe ở buôn. Một ngày thu nhập được khoảng 500 nghìn. Dù khó hay dễ tôi đều sửa được cho người dân trong buôn”.

Gia đình anh Y Păn Bkrông, ở buôn Nắc, xã Ea Bông, thoát nghèo nhờ nghề xây dựng. Anh Y Păn trước kia làm phụ hồ cho các nhóm thợ, công thấp và công việc cũng không đều. Sau khi học xong lớp nghề xây dựng tại Trung tâm dạy nghề huyện Krông Ana, anh đã nhận xây được những công trình nhà cửa đơn giản trong buôn. Khi có công trình lớn, anh được chủ thầu gọi đi làm và trả mức lương của thợ chính.  Có tay nghề nên công việc của anh đều hơn, thu nhập ổn định hơn: "Hiện nay tôi đi làm được từ 6-7triệu/tháng. Tôi đã xây 2 ngôi nhà trong buôn. Trong buôn, năm 2015 đã có thêm 10 người học xây dựng, học xong đều có thể xây được nhà tắm, nhà vệ sinh cho người dân trong buôn".

Còn đối với H’On Niê, ở buôn Riăng, xã Ea Bông, Trung tâm dạy nghề Krông Ana chính là nhịp cầu đưa giấc mơ ngày bé của H’On thành hiện thực.  Được cán bộ Trung tâm định hướng, đi học may không mất tiền học phí mà lại còn được hưởng thêm trợ cấp, H’On mừng. Sau khóa học, H’On vay tiền mua máy khâu về mở tiệm may tại nhà.  Dù mới làm được những việc đơn giản như sửa quần áo, thay dây kéo, nhưng công việc này làm lúc rảnh rỗi cũng mang lại cho H’On khoảng 60.000 đồng/ngày.  Đây là bước khởi đầu để H’On cố gắng: “Tôi rất thích nghề may này, khi nào xong việc chăm sóc cà phê tôi sẽ theo học thêm để nâng cao kỹ năng. Tôi mong muốn may được đồ cho mình, cho con cái, cho mọi người”.

 

Trồng nấm linh chi tại trung tâm dạy nghề Krông Ana

Nhiều nông dân ở cách Krông Ana cả trăm km cũng đến đây học nghề.  Anh Nguyễn Quốc Hậu, ở thôn Tân Lợi I, xã EaVy, huyện Krông Pách, tỉnh Đắc Lắc, cho biết nơi anh ở có nhiều rơm rạ, nên anh tận dụng trồng nấm ngoài trời. Tuy nhiên, cách làm này mất nhiều nguyên liệu, chi phí đầu tư cao mà lợi nhuận thấp.  Biết Trung tâm dạy nghề Krông Ana dạy trồng nấm trang trại nên anh tìm đến. Cứ đều đặn 4h sáng hàng ngày anh khăn gói lương thực đến Trung tâm học nghề.  Bù lại, anh đã thành công với hướng đi mới: "Được thầy cô tận tình chỉ bảo, về nhà em trồng nấm thành công, thu nhập càng ngày càng tốt. Bà con trong xóm cũng tới xem và học hỏi nhưng em chỉ giúp được một vài người. Nhiều người muốn học thì em chỉ lên trung tâm nhưng học rất là xa, nên họ không đi".

 

Với phương châm “Dạy nghề xã hội cần chứ không dạy nghề nông dân thích”, Trung tâm dạy nghề huyện Krông Ana đã mở rộng quy mô lên hơn 20 lớp/năm với 16 ngành nghề như xây dựng, sửa chữa xe máy, nghề may, trồng nấm, kỹ thuật điện, chăn nuôi thú y…  Trung tâm thành lập Tổ thực hành để áp dụng kỹ thuật, nâng cao tay nghề cho cán bộ, giáo viên, củng cố tay nghề cho học viên. Những tor thực hành này đã tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 10 lao động.

Theo khảo sát của Trung tâm, sau đào tạo đã có trên 100 mô hình hành nghề mang lại kinh tế ổn định cho học viên ở tất cả 8 xã, thị trấn trong huyện Krông Ana.  Hiệu quả nhất là các mô hình trồng nấm, sửa chữa xe máy, xây dựng dân dụng, chăn nuôi gia súc gia cầm.  Trong đó có khoảng ¼ mô hình là của học viên người dân tộc thiểu số. Lợi nhuận trung bình của mỗi mô hình từ 5-15 triệu đồng. Trên 90% thanh niên dân tộc thiểu số học nghề xây dựng đã tự tạo việc làm ổn định. 

 

Bà Đinh Thị Danh, Giám đốc Trung tâm dạy nghề Krông Ana, cho rằng: “Khát vọng có việc làm trong tất cả mọi người đều có, chúng ta chỉ cần tác động một chút thôi. Đặc biệt là đối với thanh niên dân tộc thiểu số thì ý thức để có việc làm rất cao, chính đào tạo nghề đã thức dậy trong họ khát vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn, về việc phải có việc làm để tạo thu nhập. Với điều kiện ở Tây Nguyên thì không cần đi đâu, ở ngay tại đây, trên mảnh đất này, đặc biệt là học sinh nam dân tộc thiểu số họ có một thể lực rất tốt, chỉ cần hướng cho họ đi đúng thì sẽ hết sức thành công”.



Nam Trang/VOV-Tây Nguyên

P bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC