Đi lao động ở Trung Quốc, nên đăng ký với chính quyền
Thứ năm, 00:00, 29/09/2016 PhúCT PhúCT


(VOV4) - Những năm gần đây, lượng người dân các tỉnh giáp biên giới sang các nước láng giềng tìm việc làm có xu hướng gia tăng. Người lao động sang làm thuê chủ yếu là vượt biên trái phép, không làm thủ tục xuất nhập cảnh, không có hợp đồng lao động, dẫn đến việc bị ăn chặn tiền công, bị đuổi về nước hoặc khi xảy ra tai nạn lao động không được bồi thường. Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, Hà Giang đã và đang triển khai thực hiện thỏa thuận về quản lý lao động với Trung Quốc.



 

Với biên bản thỏa thuận nguyên tắc về quản lý lao động phổ thông khu vực biên giới với Trung Quốc được trình và được Chính phủ cho chủ trương, đến nay, Hà Giang đã ký kết đưa người  lao động sang làm việc với các doanh nghiệp của tỉnh Vân Nam và châu Văn Sơn của Trung Quốc, bước đầu có nhiều  thuận lợi.

 

Theo số liệu thống kê của tỉnh Hà Giang, năm ngoái, tỉnh này đã đưa 167 người sang làm việc tại châu Văn Sơn của tỉnh Vân Nam, theo thỏa thuận đã được ký giữa hai bên. Trong đó, lao động là người dân tộc thiểu số là 157 người. Tiền lương và các điều kiện lao động khác được chi trả theo đúng hợp đồng đã ký kết.

 

Lao động Việt Nam sang Trung Quốc tìm việc ngày càng nhiều. Ảnh minh họa: baomoi.com

 

Theo ông Phạm Hữu Trí, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Giang, con số này sẽ không dừng lại: “Năm 2016, chúng tôi đã đạt được thỏa thuận phía Trung Quốc sẽ tiếp nhận 700 lao động. Trong tháng 9 này chúng tôi vừa mới ký với Công ty Quốc tế Truyền kỳ Lam Phương tiếp nhận 400 lao động, trong đó phục vụ dịch vụ bốc vác hàng hóa qua biên giới là 300 và phục vụ nhà hàng là 100”.

 

Sự hợp tác giữa tỉnh Vân Nam và Hà Giang đã tạo điều kiện cho bà con vùng giáp biên có giấy tờ thông hành hợp pháp, việc đi hay ở đều được hai bên kiểm tra, giám sát.


  

Hà Giang, tín hiệu vui trong quản lý lao động qua biên giới. Ảnh: baomoi.com

 

"Lực lượng lao động sang Trung Quốc chủ yếu là người dân tộc thiểu số và ở vùng nông thôn, làm nông lâm nghiệp, nhàn rỗi mùa vụ; một phần là các em, các cháu tốt nghiệp phổ thông trung học, tốt nghiệp trường nghề, tốt nghiệp các trường cao đẳng chuyên nghiệp ra, không có việc làm. Mức thu nhập ở bên Trung Quốc khoảng 10 triệu đồng/tháng. Nếu như chúng ta quản lý tốt và đảm bảo được quyền lợi cho người lao động làm việc bên Trung Quốc thì đây là một trong những hình thức nâng cao đời sống cho người dân" - ông Trí cho biết.

Song, trên thực tế  vẫn còn nhiều lao động chưa được tuyển chính ngạch, hay nói cách khác là sang bên Trung Quốc lao động "chui". Đại tá Hoàng Anh Đức, Trưởng phòng trinh sát - Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Giang, cho rằng, đây là vấn đề nan giải không chỉ riêng với biên phòng và còn ảnh hưởng nhiều cơ quan liên ngành khác: "Vấn đề khó khăn nhất hiện nay là người lao động không đăng ký để đi lao động theo đúng quy định của pháp luật mà chủ yếu đi tự do theo phong tục tập quán địa phương. Chúng tôi đang cố gắng cùng cấp ủy, chính quyền địa phương bàn các biện pháp tổ chức quản lý người lao động tự do".

 

 

 

Việt Phú/VOV4

PhúCT

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC