Diện tích quế Lào Cai vươn lên thứ 2 toàn quốc: vừa mừng, vừa lo
Thứ ba, 10:52, 18/10/2022 Thu Ha bt Thu Ha bt
VOV4.VN -Chỉ trong thời gian ngắn, diện tích vùng trồng quế ở tỉnh miền núi Lào Cai tăng vọt lên xếp thứ 2 toàn quốc. Đây là tín hiệu đáng mừng, nhưng cũng đáng lo.

 

Cây quế bắt đầu được trồng ở Lào Cai cách đây gần 50 năm, chủ yếu ở vùng đồng bào dân tộc Dao. Những năm gần đây diện tích vùng trồng quê đang ngày một mở rộng.

Dễ thấy qua con số thống kê của ngành nông nghiệp địa phương. Vào năm 2015, khi vùng trồng quế toàn tỉnh mới khoảng 12.000 ha, Lào Cai đưa ra quy hoạch đến năm 2025 nâng diện tích canh tác loại cây này lên 25.000 ha thì ngay ở thời điểm năm 2022, con số thực tế đã lớn hơn gấp đôi, rơi vào trên 53.000 ha.

Không khó lý giải cho hiện tượng này vì những năm qua giá quế trên thị trường rất ổn định. Với một cây đa mục đích như quế, từ lá, vỏ, thân, cành, thậm chí gốc rễ đều có thể cho thu hoạch, bắt đầu từ năm thứ 5 đã có thành quả từ việc cắt tỉa, trung bình mỗi ha quế đang cho thu nhập khoảng 40 triệu đồng, lớn hơn nhiều so với các cây lâm nghiệp khác. Nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, đổi đời nhờ cây quế.

Người trồng quế từ năm thứ 5 bắt đầu có thu hoạch từ việc cắt tỉa

Tốc độ gia tăng phi mã cũng đã đưa Lào Cai trở thành địa phương sở hữu diện tích quế lớn thứ 2 toàn quốc chỉ sau Yên Bái, hình thành vùng nguyên liệu dồi dào cho các nhà máy sản xuất, chế biến.

Tuy nhiên, cây quế ở Lào Cai tăng trưởng “nóng” có thể kéo theo nhiều thách thức, rủi ro. Hội thảo khoa học bàn giải pháp phát triển quế bền vững vừa được  tổ chức tại Lào Cai cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, dù diện tích vùng trồng lớn nhưng cây quế ở Lào Cai chủ yếu được trồng dựa theo kinh nghiệm, quảng canh, phụ thuộc vào thiên nhiên; mật độ trồng cũng quá dày, năng suất thấp, dễ bị sâu bệnh hại, tiềm ẩn nguy cơ lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Người dân trồng tự phát ồ ạt cũng khiến việc điều tiết cung cầu, nắm bắt thị trường, kiểm soát giống, vật tư nông nghiệp gặp khó khăn; các hộ trồng quế chưa tham gia vào tổ/hợp tác xã sản xuất; Lào Cai cũng đang thiếu Hiệp hội ngành nghề về quế. Chưa kể cơn sốt quế còn gây nguy cơ xâm lấn đất rừng, đe dọa thay thế các diện tích cây trồng khác.

Trong vòng 5 năm qua, nhu cầu thị trường tiêu thụ quế của thế giới tăng trưởng khoảng 7 – 10% mỗi năm. Trong ngắn hạn, đây có thể là tín hiệu lạc quan nhưng rất nhiều rủi ro đang tiềm ẩn, chúng có thể xuất phát từ bất ổn chính trị, lạm phát, suy thoái kinh tế khiến hành vi tiêu dùng thay đổi tác động trực tiếp đến thị trường. Chúng ta càng phải thận trọng hơn khi các vùng trồng quế lớn trên thế giới gồm Trung Quốc, Indonesia vài năm gần đây đều đã hạn chế mở rộng diện tích.

Ông Lê Anh Tuấn, tư vấn cao cấp của Dự án GREAT cho biết, Nếu chúng ta vẫn phát triển theo hướng gia tăng diện tích thì chắc chắn sẽ gặp rủi ro. Nhu cầu thế giới tăng nhưng cũng chỉ tới một ngưỡng nào đó. Ngành quế Việt Nam cũng như Lào Cai nói riêng nên khống chế diện tích quế trong một phạm vi nhất định, chúng ta phải có bước đi thận trọng liên quan đến kiểm soát chất lượng vùng trồng, không phải chỗ nào cũng có thể phát triển mở rộng được.

Hiện nay, quế ở Lào Cai chủ yếu được khai thác cành, lá để chiết xuất tinh dầu. Nhưng thực tế giá trị lớn nhất của cây quế lại nằm ở phần vỏ (chiếm tới 70%) thì chưa được chú trọng. Ông Lê Anh Tuấn cũng khuyến cáo việc khai thác quá đà cành, lá sẽ can thiệp mạnh vào quá trình quang hợp, trao đổi dinh dưỡng của cây, ảnh hưởng đến hàm lượng các chất trong vỏ, có thể khiến cây yếu đi dẫn đến phát sinh sâu bệnh.

Lá quế được thu gom để chưng cất tinh dầu

Các chuyên gia cũng nhận định, thị trường xuất khẩu quế truyền thống của Việt Nam, trong đó có Lào Cai, chủ yếu tập trung ở khu vực Trung Đông và ASEAN với giá bán trung bình. Muốn vươn tới các thị trường tiềm năng, giá trị xuất khẩu cao như châu Âu, châu Mỹ đòi hỏi phải nâng cao chất lượng, đặc biệt phải hướng tới các sản phẩm hữu cơ.

Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Lào Cai có gần 4.000 ha quế được công nhận là vùng trồng hữu cơ, trong những năm tới diện tích này dự kiến tiếp tục được nhân rộng. Hầu hết quế ở Lào Cai cũng đang được trồng và phát triển tự nhiên trên các nương đồi; tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc đạt chuẩn hữu cơ. Chất lượng của vùng trồng hữu cơ quan trọng hơn nhiều so với diện tích được công nhận.

Ông Lê Văn Long, cán bộ quản lý dự án của Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà cho rằng, làm được chứng nhận hữu cơ là điều quan trọng nhất, vì muốn xuất sang những thị trường khó tính thì bắt buộc phải chứng nhận. Tuy nhiên, không nên quá chú trọng về diện tích vì khi vùng nguyên liệu có chứng nhận hữu cơ rồi thì vấn đề lớn hơn là phải duy trì bền vững diện tích ấy, chứ không phải được 1 - 2 năm rồi bỏ thì cũng mất tác dụng, mất thương hiệu.

2 huyện Bảo Yên (Lào Cai) và Văn Yên (Yên Bái) ký biên bản ghi nhớ hợp tác trong khuôn khổ Lễ hội Quế 2022

Cây quế là một trong 5 cây trồng chủ lực của Lào Cai, được định hướng phát triển để sản xuất hàng hóa chiến lược theo Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Xác định phát triển nông nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vùng nguyên liệu, thị trường tiêu thụ, trình độ canh tác của người dân...  nên thời gian qua Lào Cai đã ưu tiên lĩnh vực này bằng nhiều chính sách đặc thù; điển hình như việc tách phần giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án sản xuất, chế biến nông lâm sản để thu hút nhà đầu tư. Trên tinh thần Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về phát triển vùng trung du, miền núi Bắc bộ, Lào Cai và địa phương sở hữu vùng trồng quế nổi tiếng, giàu kinh nghiệm là Yên Bái cũng phải tính toán những bước đi chung, hiệu quả.

Ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai khẳng định, với tiềm năng lợi thế về diện tích chiếm hơn 90% diện tích quế của toàn quốc thì hai địa phương giáp ranh là Lào Cai, Yên Bái có điều kiện tương đồng về mặt văn hóa, đồng bào dân tộc, trình độ canh tác. Các doanh nghiệp đã và đang đầu tư tại Yên Bái, Lào Cai cũng có rất nhiều mối quan hệ thì chắc chắn chúng tôi phải ngồi lại với nhau để làm sao liên kết phát triển bền vững cây quế, không phải chỉ phục vụ cho Lào Cai, Yên Bái mà là cho cả nước.

Không thể phủ nhận sự phát triển đột phá về cây quế của Lào Cai trong thời gian qua. Và hiện tại khi thị trường đang cực thịnh cũng là thời điểm vàng để củng cố những mắt xích còn yếu, từng bước nâng cao chất lượng, giá trị bền vững cho sản phẩm chứ không chỉ mãi chạy theo quy mô diện tích. Có như thế mới giúp nền nông nghiệp của Lào Cai thực sự “đi sau, về trước” như mục tiêu đề ra./.

 

An Kiên/VOV Tây Bắc

Thu Ha bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC