Doanh nghiệp Lai Châu đồng hành cùng người dân trong đại dịch
Thứ sáu, 10:21, 27/08/2021 HH bt bài VOV.VN HH bt bài VOV.VN
VOV4.VN - Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và bất ổn chính trị tại Trung Đông đang khiến việc xuất khẩu chè của các doanh nghiệp ở tỉnh Lai Châu gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp sản xuất chè trên địa bàn vẫn đang nỗ lực thu mua, tạo việc làm, mang lại thu nhập cho người lao động và bà con nông dân.

Nương chè tại bản Thành Công, xã San Thàng, thành phố Lai Châu những ngày này tấp nập người thu hái, cắt chè. Đây là một trong những lứa chè chính vụ trong năm, có sản lượng chè búp tươi được dự báo sẽ tăng khoảng 30% so với lứa chè trước. Được doanh nghiệp tạo điều kiện thu mua sau nhiều ngày tạm dừng, nên bà con rất hăng hái thu hoạch.
Chị Nguyễn Thị Thủy, người trồng chè ở bản Thành Công, xã San Thàng chia sẻ: Gia đình chị có 5 nhân khẩu, sống phụ thuộc hoàn toàn vào thu nhập từ hơn 1,5 ha chè. Do doanh nghiệp thu mua gặp khó khăn về xuất khẩu chè khô, nên giá chè búp tươi có giảm so với thời điểm đầu năm, nhưng doanh nghiệp cứ thu mua là bà con còn có thu nhập. Mong doanh nghiệp sẽ đứng vững trước dịch bệnh, chè búp tươi cũng được giữ giá để bà con ổn định cuộc sống.

Với 7.500 ha hiện có, cây chè được coi là cây chiến lược trong xóa đói giảm nghèo của đồng bào các dân tộc ở Lai Châu.

“Trước tình hình dịch bệnh rất phức tạp hiện nay, việc tiêu thụ chè của người trồng chè chúng tôi rất khó khăn. Nếu công ty không thu mua thì chè đến lứa là chúng tôi cũng phải bỏ đi. Công ty cũng đã thông báo là chè hiện nay tiêu thụ rất chậm, bởi do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Giờ sản xuất ra cũng chủ yếu là để lưu kho; vì vậy bà con rất chia sẻ với những khó khăn của công ty và cũng rất mong muốn công ty tiếp tục đồng hành để tiêu thụ chè cho bà con như hiện nay” - chị Nguyễn Thị Thủy nói.
Ngoài hỗ trợ người nông dân tiêu thụ sản phẩm chè búp tươi, thời gian qua, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lai Châu cũng khắc phục khó khăn để duy trì sản xuất. Qua đó, đảm bảo việc làm thường xuyên cho công nhân để mỗi người có thu nhập.
Chị Nguyễn Thị Điệp, công nhân Công ty Cổ phần chè Tam Đường cho biết: Từ đầu mùa dịch đến nay, việc làm, lương và thu nhập tăng thêm của công nhân vẫn được công ty duy trì ổn định. Thời gian này nguyên liệu chè về nhà máy nhiều hơn trước, nên vừa qua, công ty cũng đã tuyển thêm lao động để đảm bảo sản xuất. Dù là công nhân chính thức hay lao động thời vụ thì với mức thu nhập từ 7 - 9 triệu/tháng, đời sống của người lao động vẫn được đảm bảo.

Sơ chế chè búp tươi

“Công việc chúng tôi vẫn được làm đều, lương và thu nhập thêm vẫn được nhận đầy đủ hàng tháng. Với mức đồng lương của chúng tôi công ty vẫn trả đều như thế thì về cuộc sống gia đình cũng tạm ổn. Trong mùa dịch thì có nhiều vấn đề phức tạp, nhưng những hỗ trợ về việc làm thì công ty vẫn hỗ trợ hoàn toàn, kể cả hỗ trợ về thiết bị y tế, cả khám, tiêm, rồi test Covid-19 và các thứ khác công ty cũng đảm hỗ trợ hết” - chị Nguyễn Thị Điệp nói.

Tỉnh Lai Châu hiện có trên 7.500 ha chè, trong đó có khoảng 4.500 ha chè kinh doanh đang áp dụng quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, ISO, HACCP... Tổng sản lượng chè búp tươi hàng năm khoảng trên 31.000 tấn. Chè được coi là cây chiến lược trong xóa đói giảm nghèo của chính quyền địa phương, tạo việc làm và thu nhập cho hàng trăm nghìn lao động nông thôn.
Bà Nguyễn Thị Loan, Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư phát triển chè Tam Đường cho biết: Hiện công ty có 4 nhà máy sản xuất, đang tạo việc làm cho hơn 100 công nhân. Với 2.000 ha chè đã ký kết với với bà con nông dân hiện nay, nếu công ty ngừng thu mua thì sẽ có khoảng 8.000 người nông dân mất việc làm. Vì thế, dù sản phẩm tiêu thụ có chậm, thậm chí đang tồn kho hơn 600 tấn chè khô, nhưng công ty vẫn đang cố gắng khắc phục để thu mua chè búp tươi cho bà con.
“Với quy mô công ty đã đầu tư về hạ tầng, máy móc thiết bị, cũng như là giữa doanh nghiệp và người dân cũng đã có những mối liên kết thì công ty chúng tôi vẫn tìm các giải pháp. Trong năm 2021 vẫn tổ chức các cuộc họp để tuyên truyền, vận động, rồi lắng nghe ý kiến của bà con nông dân. Thứ hai là công ty cam kết tạm ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho bà con nông dân, đến thời điểm này là trên 10 tỷ đồng; cam kết bao tiêu hết sản phẩm cho bà con nông dân với giá bình ổn bằng giá của năm 2019”.
"Chia lửa" cùng người nông dân khi tình hình thế giới có những biến động, cùng những tác động không nhỏ của dịch bệnh Covid - 19, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ở Lai Châu đang hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Khắc Kiên/CQTTTây Bắc

 
HH bt bài VOV.VN

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC