Đường thông, hàng về tận bản
Thứ sáu, 00:00, 09/12/2016

(VOV4) - Sự phát triển của chợ khu vực cùng những đầu tư mạnh mẽ về giao thông đã thúc đẩy giao thương, tăng cường hàng hóa từ miền xuôi lên vùng cao Yên Bái. Sản phẩm của các doanh nghiệp, các nhà phân phối đã đến tận thôn, bản.

 

Ông Đinh Mạnh Cường, phó Phòng kinh tế - hạ tầng, UBND huyện Văn Yên, Yên Bái, cho biết trước đây, giao thông ở địa phương rất nhiều khó khăn, từ huyện đến trung tâm các xã chủ yếu đi bằng xe máy chứ không thể đi bằng ôtô. Vì thế, hàng hóa chủ yếu tập trung về thị trấn Mậu A, trung tâm của huyện, sau đó được các hộ kinh doanh vận chuyển về các chợ và một số cửa hàng tạp hóa trong vùng.

 

Những năm gần đây, tuyến đường từ trung tâm huyện về các xã vùng cao đã được nâng cấp, kiên cố hóa, giao thông đi lại thuận tiện, ô tô đã có thể vào đến tận các xã. Ngay sau khi tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai đưa vào sử dụng thì giao thương giữa huyện với các vùng khác rất thuận lợi. Hàng hóa của các nhà phân phối từ miền xuôi có thể từ cao tốc đến trung tâm huyện rồi tới trung tâm các xã.

 

 

Nhờ đường xá thuận lợi, hàng hóa đã được chuyên chở vào tận xã. Ảnh minh họa: baomoi.com

 

Giao thông phát triển, sản phẩm của các nhà phân phối đã được vận chuyển đến tận trung tâm xã, đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận với nguồn hàng đa dạng, giá cả hợp lý hơn. Các loại hàng giả, hàng kém chất lượng cũng giảm đi nhiều vì hiện nay các nhà phân phối có thể đưa hàng đến tận nơi, nguồn hàng đảm bảo, không qua nhiều mối trung gian, có sự quản lý của nhà nước.

 

Ông Lê Minh Đức, Phó chủ tịch UBND huyện Văn Yên, cho biết: "Ở Văn Yên do địa bàn rộng, dân cư ở không tập trung nên việc đảm bảo hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu buôn bán ở đây đều được cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ. Các doanh nghiệp, nhà phân phối không những vận chuyển hàng hóa đến tận các xã mà nhiều tuyến thuận lợi, họ sẵn sàng vận chuyển đến tận các thôn, bản để phục vụ đồng bào. Chính vì thế, việc tiếp cận hàng hóa của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây ngày một dễ dàng và đa dạng hơn".

 

Theo ông Đinh Mạnh Cường, nguồn hàng mà bà con được tiếp cận chủ yếu là thực phẩm, bột giặt, dầu gội, bánh kẹo, quần áo và các nhu yếu phẩm hàng ngày. Định kỳ hàng tháng, Ban chỉ đạo 389 về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của huyện có các đoàn đi kiểm tra, giám sát tại các xã vùng cao, nhằm kịp thời ngăn chặn và xử lý các vi phạm, để hàng hóa đến với đồng bào được đảm bảo hơn.

 

"Ban Chỉ đạo 389 của huyện tổ chức tập huấn cho chủ tịch xã, công an xã và y tế xã để giám sát hàng hóa khi đưa về xã. Tập huấn trực quan, phân biệt luôn với mẫu mã như thế này thì đâu là chai nước mắm thật, đâu là chai nước mắm giả. Đồng thời, cấp cho các xã cuốn tài liệu trong đó có toàn bộ danh mục các hồ sơ, nghị định, chính sách đang còn hiệu lực để cấp xã hiểu rõ, nắm chắc thẩm quyền của mình" - ông Cường cho biết.

 

Ban chỉ đạo 389 của huyện Văn Yên cũng cử lực lượng chức năng trực tiếp xuống cơ sở để kiểm tra từng chợ, từng điểm kinh doanh để nắm tình hình thực tế. Huyện cũng triển khai chương trình cho các hộ kinh doanh ký cam kết không được bán hàng giả, hàng kém chất lượng.

 

 

Hải Phong/VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC