Gạo tám Điện Biên hướng tới sản xuất sạch
Thứ sáu, 00:00, 03/03/2017

VOV4.VN - Từ cánh đồng Mường Thanh, Điện Biên, lương thực, đặc biệt là lúa gạo được sản xuất ra không chỉ đáp ứng nhu cầu tại chỗ, mà cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Gạo tám Điện Biên nức tiếng trên thị trường.

 

Đến Điện Biên, một sản phẩm được nhiều du khách chọn mua về làm quà là gạo tám Điện Biên, tức là gạo Bắc thơm số 7 theo cách gọi của người dân địa phương. Gạo tám Điện Biên hạt nhỏ, đều, căng bóng, màu hơi đục, thơm, dẻo, vị ngọt đậm đà.


“Tôi rất thích gạo tám Điện Biên. Gạo tám Điện Biên thơm, ngon, dẻo, ăn rất đậm đà. Mỗi lần lên Điện Biên tôi thường mua làm quà cho gia đình, người thân” - chị Nguyễn Hồng Vân, ở Hà Nội, nói.

 

Cánh đồng Mường Thanh

 

Với lợi thế có cánh đồng Mường Thanh rộng lớn, được đánh giá là vựa lúa số 1 của vùng Tây Bắc, với trên 7.700 hecta đất trồng lúa 2 vụ, huyện Điện Biên là địa phương có thế mạnh về sản xuất lúa gạo của tỉnh Điện Biện.

 

Không chỉ gieo cấy 2 vụ lúa đơn thuần, bà con ở đây đã đưa các giống lúa Bắc thơm số 7 và IR64 vào gieo trồng, tạo nên vùng sản xuất lúa hàng hoá có thương hiệu cung cấp ra thị trường. Như xã Thanh Xương, với trên 630 hecta gieo cấy vụ chiêm và vụ mùa, đạt tổng sản lượng lúa cả năm bình quân trên 4.000 tấn, năng suất bình quân trên 65 tạ/hecta. 

 

Được cán bộ khuyến nông hướng dẫn, nông dân các bản đều tuân thủ nghiêm ngặt quy trình gieo trồng, hạn chế đến thấp nhất việc sử dụng các loại thuốc trừ sâu.

 

Mùa thu hoạch lúa trên cánh đồng Mường Thanh

 

Anh Lò Văn Bun, Giám đốc hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Thanh Xương, cho biết: “Trước khi vào mùa vụ, HTX phối hợp với cán bộ khuyến nông xã trực tiếp triển khai quy trình kỹ thuật. Vào các thời kỳ phát triển của cây lúa, chúng tôi tiếp tục kiểm tra, theo dõi tại đồng ruộng, hướng dẫn bà con chăm sóc, bón lót bón thúc phải đúng thời điểm. Đặc biệt, trong vấn đề quản lý bảo vệ thuốc bảo vệ thực vật, chúng tôi khuyến cáo bà con phải chấp hành đúng quy trình”.

 

Từ nhiều năm qua, huyện Điện Biên tập trung hướng dẫn, hỗ trợ, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân. Cánh đồng Mường Thanh bằng phẳng màu mỡ, thời tiết thuận lợi, hệ thống kênh mương được kiên cố hoá nên cây lúa sinh trưởng tốt. Hằng năm, ngoài đáp ứng nhu cầu lương thực tại chỗ, gạo Điện Biên còn xuất bán ra thị trường trong, ngoài tỉnh, được nhiều người ưa chuộng.

 

Ông Nguyễn Hữu Khởi, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên, cho biết: “Huyện Điện Biên thực hiện đưa một số giống có độ thuần chủng cao vào gieo trồng trên một diện tích tập trung để tạo ra khối lượng sản phẩm tập trung thành hàng hóa. Thứ 2, thực hiện hỗ trợ giá giống lúa theo quyết định của tỉnh. Thứ 3, tuyên truyền triển khai phương án dồn điền đổi thửa. Thứ 4, thực hiện ký bắt tay 4 nhà: nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nước”.

 

Cơ giới hóa trên cánh đồng Mường Thanh

 

Để xây dựng thương hiệu gạo Điện Biên đảm bảo chất lượng, uy tín, tránh bị lai tạp với các loại giống cùng loại sản xuất ở các địa phương khác, đầu năm ngoái, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” dùng cho sản phẩm gạo Bắc thơm số 7 và IR64 của tỉnh Điện Biên. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh cũng đã ban hành quy chế quản lý bên ngoài sản phẩm gạo mang chỉ dẫn địa lý “Điện Biên”.

 

Hiện nay, một số công ty, đơn vị như: Công ty TNHH giống nông nghiệp Trường Hưng, công ty TNHH Nông sản thực phẩm sinh thái Điện Biên, Hợp tác xã nông sản hữu cơ Điện Biên đã tiến hành liên kết với các hộ nông dân sản xuất lúa gạo, bước đầu thu được kết quả khả quan trong chuỗi liên kết nhà nông-nhà doanh nghiệp từ sản xuất, kinh doanh, chế biến, bao tiêu sản phẩm.

 

Tiếp tục nâng cao giá trị hạt gạo trên cánh đồng Mường Thanh, ông Bùi Minh Hải, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên, cho biết: "Chúng tôi tập trung phối hợp với một số công ty giống có uy tín để thực hiện phục tráng giống IR64 và Bắc thơm số 7; kêu gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất cánh đồng lớn. Chúng tôi hiện nay tập trung hướng dẫn, tuyên truyền người dân thay đổi cách thức sản xuất: sản xuất theo hướng liên kết và sản xuất sạch”.

 

Hương  gạo Điện Biên đã ngát thơm, nay càng bay xa.

 

Bích Thủy/VOV-Tây Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC