Già làng Điểu Re giỏi làm, giỏi nói
Thứ hai, 00:00, 12/09/2016

(VOV) - Xã biên giới Phước Thiện, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước, có 9 dân tộc cùng chung sống. Nếu như trước đây, bà con chỉ du canh du cư, thì bây giờ, họ trồng những loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao, đói cái nghèo dần dần đã được đẩy lùi.

 

Năm 2007, gia đình ông Điểu Re được cấp 0,73 ha đất canh tác tại Tiểu khu 67, ấp Mười Mẫu, xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước. Năm đầu tiên nhận đất, gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn vì chưa biết trồng cây gì, nên ông đã trồng xen cây mỳ với bắp, nhưng khi đến mùa khô thì đất lại bỏ hoang, cả nhà đi làm thuê làm mướn sống qua ngày. Làm sao để thoát được nghèo? Ông tìm đến học hỏi kinh nghiệm của một số hộ người Kinh trong vùng và nhờ sự tư vấn của cán bộ địa phương. Sau đó, ông quyết định trồng cây cao su.

 

Những năm đầu mới trồng, cây cao su còn nhỏ, ông trồng xen các loại cây ngắn ngày khác như mỳ, bắp, đậu… Với sự giúp đỡ của cán bộ khuyến nông, ông áp dụng đúng kỹ thuật chăm sóc từng loại cây trồng. Đến nay, cây cao su đã được khai thách. Ông còn chăn nuôi thêm đàn gà, vịt, dê, để tăng thêm thu nhập. Kinh tế gia đình đã dần ổn định, cái đói, cái nghèo giờ không còn đeo bám gia đình ông nữa.

 

Trồng xen canh những cây trồng ngắn ngày dưới gốc cao su. Ảnh minh họa: baomoi.com

 

Cuộc sống ổn định, ông Re có thêm thời gian tham gia công tác xã hội tại địa phương. Năm 2011, ông được bầu làm Chủ tịch Hội đồng già làng xã Phước Thiện. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông cho biết đồng bào dân tộc S’tiêng ở ấp Mười Mẫu tuy đời sống còn khó khăn, trình độ hiểu biết chưa cao, nhưng nơi đây không còn những hủ tục lạc hậu, lãng phí trong tổ chức cưới hỏi, ma chay; không còn cảnh ăn ở mất vệ sinh như trước:  “Đồng bào S’tiêng trước đây, ngày lễ tết người ta hay giết trâu bò, mỗi lần như thế là mấy con. Nhiều sóc dồn lại, một mình ăn sao hết, phải mời anh em khác nữa để chia nhau ăn rồi năm sau mình phải trả lại, cứ thế thôi. Còn bây giờ không như xưa, cũng có lễ mừng lúa mới nhưng 2-3 năm làm một lần, tùy theo kinh tế nữa”.

 

Ông Nguyễn Ngọc Trung, Bí thư Đảng ủy xã Phước Thiện, cho biết trên địa bàn xã có 3 cột mốc, tuyến biên giới dài hơn 20 km, vì vậy việc phối hợp với già làng để tuyên truyền cho bà con không vi phạm quy chế biên giới là việc làm thường xuyên và vai trò của già làng Điểu Re, Phó trưởng ấp Mười Mẫu là rất quan trọng: “Thứ nhất là không xâm canh, lấn chiếm đất rừng khi được giao đất; thứ hai là không mua bán đất  trái phép; thứ ba là không vi phạm quy chế biên giới, không vào rừng săn bắt thú mà tập trung làm ăn. Từ đó đồng bào khu vực 134 này ngày một tiến bộ”.

 

Già làng Điểu Re đã có nhiều đóng góp cùng với chính quyền địa phương trong việc nâng cao đời sống đồng bào dân tộc S'tiêng ở ấp Mười Mẫu. Trong tâm niệm của ông, khi nào đồng bào mình còn chưa hết nghèo nàn, lạc hậu, thì ông còn phải tiếp tục giúp bà con.

 

 

 

Đoàn Thụy Sỹ/VOV-TP.HCM

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC