Gìn giữ văn hóa Chăm khi hội nhập văn hóa
Thứ ba, 00:00, 02/08/2016

(VOV) - Để người Chăm tiếp tục phát triển một cách bền vững, vấn đề văn hóa cần được quan tâm - Đó là nhận định nhiều nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa đưa ra tại hội thảo khoa học “Văn hóa đồng bào Chăm với việc đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh An Giang tổ chức.

 

Trong di sản văn hóa Việt Nam, dấu ấn văn hóa Chăm được thể hiện rõ nét trong kiến trúc, điêu khắc (các đền tháp, phù điêu, tượng thờ) và ở các lĩnh vực khác như: phong tục tập quán, lễ hội, tín ngưỡng, tôn giáo, tiếng nói, chữ viết, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn… Tuy nhiên, trong thời đại toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay, các giá trị văn hóa Chăm đang đứng trước nhiều thách thức.

 

 

Điêu khắc đền tháp Chăm

 

Ông Thập Liên Trưởng, Nhà nghiên cứu văn hóa Chăm ở tỉnh Ninh Thuận, cho rằng văn hóa Chăm rất phong phú và đa dạng. Để văn hóa Chăm tồn tại, phát triển cùng với nền văn hóa của các dân tộc anh em, trước tiên, người Chăm hãy bảo tồn và phát huy ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc, đó là chữ Chăm cổ (Akhar Thrah). Chữ Chăm cổ được cộng đồng trân trọng giữ gìn và sử dụng từ thế kỷ thứ XVI đến nay. Hầu hết các áng văn chương, truyện cổ, kinh kệ, đặc biệt là hàng chục ngàn trang thư tịch cổ được viết bằng Akhar Thrah.

 

Hiện nay, chữ Chăm cổ chủ yếu sử dụng tại các trường tiểu học ở vùng đồng bào Chăm, chưa được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng. Một số người đang sử dụng chữ viết latinh, không theo một hệ thống nhất định. Ông Trưởng cho rằng cần tổ chức hội nghị, hội thảo để cùng thảo luận, thống nhất việc sử dụng ngôn ngữ và chữ viết Chăm cổ; biên soạn lại chữ Chăm cổ theo đúng nguyên bản của nó khi đưa vào giảng dạy; tổ chức nhiều hơn lớp dạy chữ viết Chăm cổ cho các đối tượng, giúp họ có thể đọc, hiểu và viết thành thạo chữ viết của dân tộc mình.


Nghiên cứu về âm nhạc trong sinh hoạt văn hóa Chăm hiện nay, thạc sỹ Vũ Thị Kim Yến, biên tập viên âm nhạc - Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, thấy rằng trong sáng tạo những giá trị âm nhạc nghệ thuật dân tộc và trong cách vận dụng vào sinh hoạt văn hóa của dân tộc, người Chăm đã tạo nên một nền văn hóa đặc thù; đã sáng tạo nên những nhạc cụ độc đáo, nổi bật như: đàn Ka-nhi, trống Pa–ra-nưng, Gi-năng, kèn Sa-ra-nai, chiêng… Với từng nhạc cụ, người Chăm đã tạo ra những giá trị văn hóa âm nhạc độc đáo và không thể nhầm lẫn với các dân tộc khác.

 

 

Nhạc cụ Chăm trong ngày hội

 

Tuy nhiên, các loại nhạc cụ truyền thống Chăm hiện nay chỉ bó hẹp trong cộng đồng thông qua các nghi lễ tôn giáo, ít khi được biểu diễn rộng rãi trong sinh hoạt vui chơi giải trí của cộng đồng. Gần đây, trong một vài sinh hoạt văn hóa địa phương, hội diễn văn nghệ quần chúng, một số nhạc cụ ít nhiều được vận dụng… Nghệ nhân biểu diễn, ca sỹ, nhạc sỹ sáng tác âm nhạc Chăm thì  ngày một già đi, các tiết mục hay chương trình âm nhạc Chăm đa phần là những ca khúc mang âm hưởng dân ca Chăm.

 

Thạc sỹ Vũ Thị Kim Yến cho rằng để những giá trị âm nhạc Chăm tồn tại, phát triển, đồng hành cùng cộng đồng Chăm phát triển bền vững trong tiến trình phát triển chung của đất nước, cần quan tâm một số vấn đề: “Đối với con em đồng bào Chăm, nên có chế độ ưu đãi nào đó để cho người nào có năng khiếu người ta đến học, để từ nội tại là từ con người dân tộc, kết hợp với những cái họ được đào tạo thì chắc chắn họ sẽ tạo ra những sản phẩm vừa hợp với lòng dân tộc, vừa đáp ứng yêu cầu chuyên môn, phù hợp với xu thế thời đại”.

 

Thạc sỹ Vũ Thị Kim Yến đề xuất nên đưa nhạc cụ truyền thống, dân ca Chăm vào sinh hoạt giải trí cả trong và ngoài cộng đồng, thay vì như hiện nay, các nhạc cụ đa phần chỉ sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo và tín ngưỡng. Các nghệ nhân, nghệ sỹ và các cơ quan chức năng cần phải nghiên cứu để thu âm và phát hành trên thị trường những đĩa nhạc cổ truyền Chăm nhằm lưu giữ, quảng bá và đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, thưởng thức của rất nhiều người quan tâm. Đồng thời, quảng bá âm nhạc Chăm nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông, báo chí.

 

Tiến sỹ Phú Văn Hẳn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, nhận định: Cộng đồng người Chăm ở Nam Bộ có một quá khứ thăng trầm và những vấn đề nội tại. Cần tìm hiểu những khả năng thích nghi của cộng đồng Chăm Nam bộ để có một chiến lược duy trì, nghiên cứu làm rõ các đặc trưng văn hóa của người Chăm. Trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam đang phát triển và hội nhập quốc tế, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá Chăm là rất cần thiết.

 

Hiện nay, dân tộc Chăm ở Việt Nam có khoảng 170.600 người, sinh sống tại 35 huyện, thị xã của 10 tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ.

 

 

 Thúy Linh/VOV-TP.HCM

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC