Hành trình lên giảng đường của sinh viên dân tộc thiểu số
Thứ năm, 00:00, 01/09/2016 P bt P bt

(VOV4) - Gia đình quá nghèo, bố mẹ không đủ tiền chu cấp, về các thành phố lớn, sự học của những sinh viên người dân tộc thiểu số gian nan, vất vả gấp trăm lần so với những bạn bè đồng trang lứa.

 

Xanh xao, gầy yếu, đó là cảm nhận đầu tiên của tôi khi gặp các em. Những sinh viên nam con nhà nghèo nên chỉ cao chưa đầy 1m6. Những em gái càng nhỏ bé hơn. Lần đầu tiên về Hà Nội nhập học, có em mang theo vừa đủ số tiền phải đóng và đúng 1 triệu đồng cho việc ăn học. Số tiền ít ỏi ấy bố mẹ phải chạy vạy khắp nơi mới vay mượn được.

 

Thách thức lớn nhất với các em là thiếu tiền ăn học. Bố mẹ chỉ trồng lúa, trồng ngô, gia đình lại đông anh em, có nhà còn thiếu ăn vài tháng trong năm. Nhiều em đã làm đủ nghề để kiếm tiền: gia sư, giúp việc gia đình, đi giao hàng, làm thêm ở quán bia, hàng cơm, dọn nhà, chuyển đồ, rồi phụ việc tại các công trình xây dựng…

 

Nhưng công việc không phải lúc nào cũng suôn sẻ. "Có lần nghĩ là mình không làm sai mà bị mắng sao mà ngu thế. Nản. Nhưng nghĩ là thôi, mình đi làm để kiếm tiền trang trải cuộc sống và để học hành" - đó là chia sẻ của Sùng A Cải, người Mông, sinh viên năm 4, Đại học Sư phạm 1 Hà Nội.

 

Về quê dạy học là mơ ước của nhiều sinh viên dân tộc thiểu số. Ảnh: Dân trí

 

 Giàng Thị Tằng, dân tộc Mông, là sinh viên năm 4 của Đại học Luật Hà Nội. Nhà có 4 anh chị em nhưng duy nhất một mình em học đại học. Em liên tục là học sinh giỏi từ những năm phổ thông đến bây giờ. Giàng Thị Mế, chị gái của Tằng nói về em gái mình đầy trìu mến: “Em ấy là người chăm chỉ nỗ lực. Điểm phổ thông cao. Ở cùng em, thấy sự nỗ lực học tập của em. Những lúc sắp có kỳ thi, có bài kiểm tra, em học thâu ngày thâu đêm. Cháu là chị gái nhưng có nhiều cái cháu phải học hỏi ở em như giao tiếp, học tập em giỏi hơn. Trong học tập, em đạt kết quả cao rất đáng ngưỡng mộ”.

 

Hầu hết các em mà tôi gặp đều nuôi ước mơ ra trường sẽ trở về làm việc ở quê hương mình. Trả lời câu hỏi: vì sao không ở lại Hà Nội làm việc, Thào A Tinh, người Mông, ở xã Sam Kha, bản Sốp Cộp, Sơn La, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nói ngay: “ở Hà Nội tốt, muốn gì có đó, nếu có tiền. Nếu mình là người thực sự muốn cống hiến thì mình ở Hà Npội chỉ là trốn tránh, nên cháu muốn về, có thể một mình không làm được nhiều, nhưng ít nhất không hổ thẹn với lương tâm là mình người gốc ở đó và cảm thấy mình được sống là chính mình”.

 

 

 

Thu Hà/VOV4

P bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC