Hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Châu Phi: Tăng cường kết nối, cùng phát triển bền vững
Thứ sáu, 08:44, 10/09/2021 HH btb HH btb
VOV4.VN - Ngày 9/9, Bộ Ngoại giao đã chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổ chức quốc tế Pháp ngữ tổ chức Hội thảo trực tuyến “Hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Châu Phi: Tăng cường kết nối, Cùng phát triển bền vững” nhằm trao đổi các biện pháp tăng cường hơn nữa hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và các quốc gia châu Phi.

Coi nông nghiệp là lĩnh vực then chốt của nền kinh tế

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhắc lại mối quan hệ truyền thống, thủy chung giữa Việt Nam với các quốc gia châu Phi khởi nguồn từ khát vọng hòa bình, độc lập, tự do và sự ủng hộ chí tình dành cho nhau trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; đánh giá cao việc mối quan hệ hợp tác tốt đẹp đó đang tiếp tục được vun đắp và mở rộng trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, viễn thông, y tế, giáo dục, nông nghiệp... cũng như hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các cơ chế đa phương, nhất là tại Liên hợp quốc trong giải quyết các vấn đề toàn cầu.


Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: TTXVN

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn chia sẻ: Việt Nam coi nông nghiệp là lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, chủ trương phát triển nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại, thông minh, gắn kết với thị trường quốc tế...; bày tỏ vui mừng về kết quả hợp tác đáng khích lệ trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Việt Nam và các nước châu Phi, nhất là trong khuôn khổ hợp tác Nam - Nam.

Việt Nam và nhiều quốc gia châu Phi cũng trở thành đối tác thương mại nông sản hàng đầu của nhau, tiêu biểu có gạo, điều, cà phê... Bộ trưởng nhấn mạnh: nông nghiệp là lĩnh vực hợp tác còn rất nhiều tiềm năng giữa Việt Nam và các nước châu Phi và hai bên cần khai thác tối đa, tìm các phương thức hợp tác mới nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác, cùng phát triển bền vững.
Chia sẻ tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết, hiện Việt Nam đã vươn lên thành một trong những quốc gia xuất khẩu nông, thủy sản lớn trên thế giới. Xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam không ngừng tăng, đạt mức kỷ lục 41,53 tỷ USD (năm 2020), tăng 3,3% so với năm 2019 với nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực như gạo, chè, cà phê, hạt tiêu, hạt điều và các loại thủy hải sản… Việt Nam đã cử gần 500 chuyên gia sang hỗ trợ phát triển nông nghiệp tại các nước châu Phi.

Thành công của các dự án hợp tác phát triển nông nghiệp tại Mô-dăm-bích, Xi-ê-ra Lê-ôn, Cộng hòa Ghi-nê, Na-mi-bi-a, Xê-nê-gan, Bê-nanh, Ma-đa-gát-ca, Ma-li, Cộng hòa Công-gô... đã góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho nhiều nước châu Phi. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam sẽ đề xuất với Chính phủ thành lập Trung tâm hợp tác Nam – Nam để làm đầu mối thúc đẩy hợp tác nông nghiệp với các nước châu Phi.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: TTXVN

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá với dân số gần 1,3 tỷ người, nhu cầu xuất nhập khẩu nông sản ngày càng tăng, châu Phi sẽ là thị trường tiềm năng và còn nhiều dư địa để phát triển, nhất là trong lĩnh vực thương mại nông sản, sản xuất và chế biến nông nghiệp. Tuy nhiên, quy mô và mức độ hợp tác còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của cả hai bên do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Tăng cường kết nối
Tại Hội thảo, các đại biểu đánh giá cao Chính phủ Việt Nam có sáng kiến tổ chức Hội thảo nông nghiệp với châu Phi; bày tỏ ấn tượng về sự phát triển kinh tế năng động, hội nhập sâu rộng trên thế giới của Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu một số nông sản quan trọng; nằm trong số ít các quốc gia đạt tăng trưởng dương và đạt kỷ lục về xuất khẩu nông, thủy sản bất chấp tác động của đại dịch Covid-19.
Các đại biểu đánh giá tiềm năng và cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và các nước châu Phi là rất lớn và nhất trí nhiều phương hướng và cách tiếp cận mới nhằm nâng cao hơn nữa kim ngạch thương mại nông sản hai bên thông qua đẩy mạnh hoạt động trao đổi thông tin, trao đổi đoàn, xúc tiến thương mại và chú trọng hơn nữa đến thúc đẩy giao thương trực tuyến…; tăng cường kết nối hệ thống phân phối, liên kết giữa các doanh nghiệp, tận dụng các nền tảng kỹ thuật số trong nghiên cứu, phát triển và mở rộng thị trường xuất nhập khẩu nông sản.

Bộ trưởng Nông nghiệp Tanzania mong muốn Việt Nam đầu tư sản xuất chế biến hạt điều thô, hợp tác sản xuất giống cây trồng nhằm nâng cao năng suất vụ mùa, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, gia tăng giá trị xuất khẩu. Bộ trưởng Chăn nuôi và Thủy sản Bờ Biển Ngà cho rằng tiềm năng sản xuất nông nghiệp, thủy sản, chăn nuôi giữa Việt Nam và Bờ Biển Ngà còn rất lớn và đề nghị hai bên nghiên cứu khả năng hợp tác sản xuất chế biến nông sản, nhất là sản phẩm ca-cao, mặt hàng thế mạnh của Bờ Biển Ngà…

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và An ninh lương thực Mô-dăm-bích bày tỏ mong muốn hai bên nghiên cứu hợp tác phát triển sản xuất cây lương thực như vừng, đậu tương, khoai lang, lúa… Đại diện Phòng Thương mại Vùng Rabat-Salé Ma-rốc và Công ty xuất nhập khẩu hoa quả Nam Phi giới thiệu về tiềm năng các mặt hàng nông sản, hoa quả và đề nghị hai bên tăng cường kết nối, đẩy mạnh xuất nhập khẩu các mặt hàng có thế mạnh của hai bên.
Nhiều đại biểu đề xuất thúc đẩy quan hệ ngân hàng hoặc tìm kiếm một cơ chế tài chính phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn về thanh toán, tạo thuận lợi cho trao đổi hàng hóa; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, đầu tư vào các hoạt động chế biến nông sản, phát triển nông nghiệp, tích cực tìm kiếm, phối hợp chặt chẽ để vận động các nguồn tài chính và nguồn nhân lực để triển khai dự án hợp tác nông nghiệp theo mô hình song phương, ba bên, bốn bên hoặc đối tác công-tư, theo hướng tăng cường kết nối và liên kết theo chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng nông nghiệp, đảm bảo sự phát triển bền vững…
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu khẳng định: Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với các quốc gia châu Phi, trong đó có hợp tác nông nghiệp; đánh giá kết quả hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và các nước châu Phi thời gian qua rất khả quan, đặc biệt về thương mại nông sản.

Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như gạo, cà phê, hàng thủy sản... đã thâm nhập tốt và có chỗ đứng tại thị trường châu Phi, trong khi đó, nhiều mặt hàng nông sản của châu Phi như bông, gỗ, hạt điều thô... có vai trò ngày càng quan trọng đối với công nghiệp chế biến phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu của Việt Nam. Để thúc đẩy hợp tác nông nghiệp, hai bên cần có quyết tâm cao, thống nhất nhận thức, tìm kiếm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho hợp tác nông nghiệp...
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu đã tổng kết lại các phương hướng hợp tác nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác nông nghiệp Việt Nam – châu Phi; khẳng định Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam sẽ sát cánh cùng các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân trong hợp tác nông nghiệp và thương mại nông sản trong giai đoạn tới, góp phần thực hiện tốt “mục tiêu kép” của Chính phủ, vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế.

Nguyễn Đình Nam/VOV1

HH btb

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC