Kỳ vọng cao su Yên Bái
Thứ tư, 00:00, 19/04/2017

VOV4.VN - Sau 7 năm có mặt trên đất Yên Bái, đến nay, những đồi cao su của Công ty cổ phần cao su Yên Bái đã vươn xanh, nhanh hơn nhiều so với kế hoạch. Những diện tích trồng đầu tiên dự kiến cho khai thác thử nghiệm ngay trong năm tới.

Cây cao su được trồng tại huyện Văn Chấn và Văn Yên từ năm 2010. Kể từ đó, những vùng đất vốn bạc màu, chai cứng, bị bỏ hoang đã mướt màu xanh của cao su.

 

Đi dọc các xã Sơn Lương, Nghĩa Sơn, Nậm Búng, Nậm Lành... của huyện Văn Chấn, đâu đâu cũng là rừng cao su ngút mắt. Những diện tích trồng đầu tiên, nay đã cao chừng 8 mét, xanh ngút ngàn. Chích thử những thân cây có đường kính trên dưới 40 cm, mủ trắng đã chảy thành dòng.

 

Chị Ngụy Thị Nam, dân tộc Tày, ở Đội cao su Nghĩa Sơn, cho biết: Từ khi trở thành công nhân của Công ty cổ phần cao su Yên Bái, thu nhập của chị và các anh chị em công nhân khác khoảng 3 triệu đồng/người/tháng, tương đối khá so với mức sống của người vùng cao nơi đây. Nếu cao su cho khai thác đúng dự kiến và cho mủ chất lượng cao, thì cuộc sống của chị và các đồng nghiệp chắc chắn sẽ khá hơn.

 

Đội cao su Suối Quyền, Văn Chấn, đang chăm sóc hơn 500 héc ta cao su. Công nhân của đội phần nhiều là đồng bào dân tộc thiểu số, mức lương trung bình 3 triệu đồng. Sau nhiều năm gắn bó với cây cao su, người dân nơi đây kì vọng nhiều vào những đồi cây ngút ngàn này. Do được chăm sóc đúng quy cách, những đồi cao su giống IAN873 đã vượt qua thời tiết khắc nghiệt.

 

Anh Nguyễn Văn Giang, đội trưởng Đội cao su Suối Quyền, cho biết: "Thời gian qua, cán bộ, công nhân viên ở đội chủ yếu là bảo vệ và chăm sóc vườn cây. Cây cao su trồng trên địa bàn vùng cao đã sinh trưởng và phát triển rất là tốt".

 

Đến nay, Công ty cổ phần cao su Yên Bái đã trồng gần 2.300 ha cây cao su. Trong đó, tại huyện Văn Chấn trên 1.800 ha, còn lại là tại các huyện Văn Yên, huyện Trạm Tấu. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, công ty sẽ trồng đạt 3.000 ha. Dự kiến trong năm tới, các đồi cây cao su đầu tiên sẽ bắt đầu cho khai thác thử nghiệm.

 

Ông Bùi Văn Bân, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần cao su Yên Bái, cho biết: "Mặc dù trong những năm vừa qua tình hình giá mủ cao su có nhiều biến động, chỉ đạo của Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam chủ trương tiết giảm suất đầu tư, quản lý chặt chẽ suất đầu tư để đảm bảo hiệu quả sản xuất sau này, tuy nhiên Công ty cao su Yên Bái vẫn chủ động điều tiết suất đầu tư để làm sao vườn cây được chăm sóc tốt, đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo vườn cây sinh trưởng và phát triển. Song song việc quản lý,chăm sóc, bảo vệ vườn cây thì chúng tôi tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cán bộ, công nhân viên, người lao động trực tiếp có điều kiện gắn bó với Công ty để đảm bảo hiệu quả cũng như sự phát triển của Công ty sau này".

 

Rồi đây, người dân vùng cao vốn cần cù, chịu khó, đã góp đất, góp công cho cây cao su xanh tươi trên đất đồi Yên Bái sẽ có điều kiện thay đổi cuộc sống, nhờ có thu nhập ổn định từ những cánh rừng cao su đầy triển vọng.

 

 

Những đồi cao su xanh tốt trên vùng cao Yên Bái

Vươn tán lên trời xanh

Cao su thay lá, đâm chồi trong mùa xuân

Lãnh đạo và cán bộ Công ty cao su thường xuyên kiểm tra sự sinh trưởng của cây cao su

\

Nhiều cây sinh trưởng nhanh hơn kỳ vọng

Công nhân Công ty cao su Yên Bái chăm sóc vườn cây theo quy trình

Rừng cao su vào mùa thay lá vô cùng đẹp mắt

 

Những hạt cao su công nhân mang về làm đồ chơi cho con trẻ

 

 

 

Thu Thùy, Tuấn Xuân/VOV-Tây Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC