Lai Châu thí điểm thành công mô hình canh tác thích nghi với biến đổi khí hậu
Thứ năm, 00:00, 05/01/2017 MInh CT MInh CT

(VOV4) - Gần 2 năm nay, Hội Nông dân tỉnh Lai Châu đã thí điểm một số mô hình canh tác thích nghi với biến đổi khí hậu, trong đó, đáng chú ý là mô hình canh tác lúa cải tiến (SRI) và mô hình canh tác ngô trên đất dốc. Ngô, lúa là 2 cây lương thực chủ đạo của người dân Lai Châu.


 

Anh Phàn Tiến Li, người Dao, ở bản Khèo Thầu, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, cho biết: Những năm trước đây, để đỡ mất công dọn dẹp nương ngô, gia đình anh thường sử dụng thuốc trừ cỏ. Vì vậy mà đất ngày càng cằn cỗi, lại tốn rất nhiều tiền mua phân hóa học về bón cây. 9 sào ngô của gia đình anh được thu khoảng 4 tấn. Còn những năm nắng hạn kéo dài, sản lượng có thể giảm đi gần một nửa.

 

Chính nỗi lo thu nhập sụt giảm đã khiến anh quyết định dành toàn bộ diện tích đất trồng ngô của mình để thí điểm trồng ngô theo cách mới: "Lúc làm cũng hơi nghi ngờ, nhưng thu hoạch thấy hiệu quả cao hơn, nên sau này làm theo mô hình này thì chắc sẽ phát triển được. Theo tập quán, bà con ngày xưa hay trồng dày, theo mô hình mới thì phải trồng thưa, bón phân hợp lý, năng suất hơn mà tiết kiệm được giống, phân bón, ít sâu bệnh, không dùng thuốc trừ sâu nhiều. Như năm trước được 4,5 tấn, đến năm nay đạt 6 tấn".

 

Trồng ngô trên đất dốc. Ảnh minh họa: baomoi.com

 

Ngoài ngô, vụ vừa qua, gia đình anh Ly được thu thêm hơn 1 tấn đỗ và đậu tương trồng xen dưới gốc ngô. Việc trồng xen còn giúp che phủ bảo vệ đất, hạn chế xói mòi đất.

 

Gia đình chị Lý Thị Vui, người Thái, ở bản Đồng Tâm, thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường, có lúc đã nản khi phải bỏ nhiều chi phí mà sản lượng thu hoạch không bao nhiêu. Theo chị Vui, phương pháp canh tác lúa theo kiểu gieo vãi trước đây tốn rất nhiều giống mà cây lúa hay gặp sâu bệnh, thân yếu, bông ra không đều. Từ khi tham gia nhóm thực hành canh tác lúa cải tiến, tuy mất công hơn vì phải cấy mạ non, cấy thành đường, thành lối, nhưng mọi vấn đề trước đây đều được giải quyết:

 

"Mình cứ thử xem vì phương pháp mới có khi nó tốt hơn phương pháp cũ của mình. Cách làm mới thì tốt hơn cách làm cũ. Nó được tăng sản lượng hơn. Ví dụ, làm kiểu cũ mình được 3 tạ/sào, còn kiểu mới được 4 tạ. Làm theo cách mới cũng tiết kiệm được một phần. Bây giờ thời hiện đại thì mình cứ theo phương pháp mới thôi".

 

Lai Châu có 12 mô hình, gồm 6 mô hình trồng ngô trên đất dốc xen canh với cây họ đậu, cây ăn quả hoặc cây lấy gỗ;  6 mô hình trồng lúa theo phương pháp cấy thành hàng. Ngoài ra, còn một số mô hình khác như ủ phân bón từ phân chuồng, trồng nấm rơm, tận dụng nguồn rơm rạ sau thu hoạch. Các mô hình này nằm trong khuôn khổ dự án Biến đổi khí hậu và các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc, do Hiệp hội các tổ chức xã hội dân sự Đan Mạch tài trợ thông qua Tổ chức Phát triển Nông nghiệp Đan Mạch Châu Á, có sự hợp tác giữa Trung tâm Con người và Thiên nhiên, được triển khai từ năm 2014. Dự án vừa được nghiệm thu vào cuối tháng 10 vừa qua.

 

Một trong những rào cản lớn nhất trong việc phổ cập các mô hình canh tác thích nghi với biến đổi khí hậu là nhận thức của người dân vùng sâu vùng xa. Tập quán canh tác lạc hậu ăn sâu khiến bà con khó tiếp thu những kĩ thuật mới. Chỉ khi được tận mắt chứng kiến những ưu điểm của phương pháp mới, được hướng dẫn trực tiếp và thấy kết quả, họ mới tin tưởng làm theo.

 

Anh Tao Văn Khăm, giảng viên Dự án, phụ trách mô hình thuộc xã Bình Lư, huyện Tam Đường, chia sẻ: "Trước, bà con vẫn sản xuất theo kiểu truyền thống là gieo vãi. Khi cấy 1 dảnh và cấy mạ non thì bà con không tin, thậm chí nói là làm thế này không được ăn đâu. Nhưng sau khoảng 3 tuần, cây phát triển và bà con thấy cây đẻ nhánh nhiều thì bắt đầu tin tưởng".

 

Dự án Biến đổi khí hậu và các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc đã lựa chọn những cán bộ khuyến nông tại địa phương để đào tạo thành những giảng viên của dự án. Sau khi được đào tạo nâng cao kiến thức và học cách truyền đạt hiệu quả, những giảng viên này sẽ về thành lập các tổ nhóm thực hiện các mô hình thí điểm.

 

Ông Mùa A Trừ, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lai Châu, cho biết, từ đội ngũ giảng viên của dự án, tỉnh Lai Châu đã có phương án tăng cường cán bộ khuyến nông, khuyến lâm về cơ sở để hướng dẫn bà con. Các xã biên giới, sắp tới sẽ được tăng cường  cán bộ nông nghiệp có trình độ cao đẳng, đại học để hướng dẫn bà con áp dụng khoa học.

 

 

Hoàng Minh/VOV4

MInh CT

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC