Đa dạng hình thức đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Điện Biên
Thứ sáu, 16:12, 10/06/2022 Thu Ha bt- 2 ảnh Thu Ha bt- 2 ảnh
VOV4.VN - Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn được tỉnh miền núi Điện Biên chú trọng. Qua kiến thức và kỹ thuật được trang bị từ các lớp đào tạo nghề, nhiều người lao động đã có việc làm, thu nhập ổn định.

 

Dưới sự hướng dẫn tận tình của các giáo viên Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh Điện Biên), 35 học viên lớp dạy nghề trồng nấm là người dân ở bản Ta Lét 1, xã Hẹ Muông, huyện Điện Biên đều đã có thể tự tay hoàn thành những bịch nấm Sò đầu tiên. Khuôn mặt ai cũng tươi vui, phấn khởi vì đã nắm được kỹ thuật cơ bản về trồng nấm để tương lai có thể tự trồng nấm tại nhà, nâng cao thu nhập cho gia đình.

Chị Lò Thị Thắm, người dân bản Ta Lét 1 cho biết, qua lớp học này chúng tôi được học rất nhiều kiến thức như sơ chế rơm, nghiền vật liệu như thế nào, độ ẩm ra sao, ủ rơm thế nào cho đúng cách... sau đó là sơ chế nấm Rơm và nấm Sò. 4 chị em trong tổ khi học xong cũng đang rủ nhau ủ một đống rơm để làm nấm Sò, vì 1 nhà làm nhiều rơm quá thì làm không hết, nên 4 chị em đang rủ thành lập 1 tổ để làm.

Chị Quàng Thị Sinh, cùng bản Ta Lét 1 cũng phấn khởi nói: Rất cảm ơn trung tâm đã tạo điều kiện cho bản thân em và bà con được hiểu biết thêm về nghề trồng nấm rơm, từ đó tạo điều kiện cho bà con biết thêm nghề để có điều tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Ai cũng phấn khởi vì đã tự tay làm được những bịch nấm đầu tay, mở ra hướng kinh tế mới cho gia đình.

Ông Lò Văn Khụt ở bản Huổi Phúc, xã Noong Luống, huyện Điện Biên thì đã tham gia khóa đào tạo nghề nuôi cá nước ngọt trong ao hồ do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Điện Biên tổ chức từ 2 năm trước. Với những kiến thức đã được học, cộng thêm sự chịu khó tìm tòi học hỏi, ông đã một ao cá rộng khoảng 1.500m2. Hai năm trở lại đây, ao cá của gia đình đã cho thu hoạch 3 vụ, mỗi vụ thu hơn 2 tấn; trừ chi phí, gia đình cũng có khoảng 120 triệu đồng/năm.

Ông Lò Văn Khụt chia sẻ: Mừng vì xã cũng cho mình đi đăng ký nuôi cá để phát triển chăn nuôi cho gia đình tăng thêm thu nhập. So với trước đây kinh tế khá hơn gấp đôi, trước chỉ chăn nuôi được từ 500 – 1.000kg thôi, từ khi nuôi theo mô hình của lớp học thì bây giờ được khoảng 2 tấn/1 ao.

Với lực lượng lao động nông thôn khá đông đảo, huyện Điện Biên đã và đang tập trung mở các lớp đào tạo nghề phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương. Trong 2 năm trở lại đây, huyện đã tổ chức hơn 30 lớp đào tạo nghề cho gần 1.100 lao động nông thôn.

Ông Phạm Văn Huấn, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên huyện Điện Biên cho biết, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trung tâm đã tổ chức được nhiều khóa đào tạo nghề lao động nông thôn tại nhiều xã trên địa bàn với hàng chục lớp học và hàng trăm học viên được đào tạo. Hiệu quả sau đào tạo đều từ 80% trở lên có việc làm và tạo được việc làm sau đào tạo. Từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho bà con cải thiện cuộc sống gia đình.

Để công tác đào tạo nghề và việc ứng dụng vào thực tiễn đạt kết quả cao, các địa phương và ban, ngành, đoàn thể của tỉnh rất chú trọng công tác điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn. 

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Điện Biên đã đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nắm đầy đủ các thông tin, làm cơ sở cho việc lựa chọn nghề cần học sao cho phù hợp với tình hình phát triển của địa phương. Qua các lớp đào tạo, người lao động đã biết áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm; đồng thời có định hướng phát triển nghề nghiệp, sản xuất theo hướng bền vững.

Ông Hoàng Văn Quyền, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Điện Biên cho biết, năm 2021, tỉnh đã tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề được cho 8.185 lao động, đạt 101,06% so với kế hoạch tỉnh giao và tăng 1,61% so với năm 2020. Trong đó có khoảng 4.800 lao động nông thôn được hưởng các hỗ trợ của các chương trình, dự án của nhà nước; tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh duy trì được việc làm ổn định cũng đạt được trên 75%. Những kết quả đó đã góp phần rất tích cực vào công tác đào tạo nghề giải quyết việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của địa phương.

Tỉnh Điện Biên tiếp tục đặt mục tiêu mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng  8.500 lao động; phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo có việc làm ổ định ở tỉnh đạt khoảng 80%. Qua đó, giúp người lao động có thể tiếp cận được với các công việc đòi hỏi tay nghề cao để có thu nhập ổn định hơn./.

 

Vũ Lợi/VOV Tây Bắc

Thu Ha bt- 2 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC