Hợp tác xã kiểu mới ở Sơn La
Thứ hai, 11:19, 09/05/2022 Thu Ha bt- 4 ảnh Thu Ha bt- 4 ảnh
VOV4.VN - Cùng với đổi mới tư duy từ chính những người nông dân, nhiều mô hình hợp tác xã kiểu mới ở tỉnh miền núi Sơn La đã và đang phát huy hiệu quả, không chỉ mở rộng về quy mô, mà còn nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, liên kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

 

Tiếng máy cày ròn rã làm vùng chuyên canh trồng na xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La thêm nhộn nhịp giữa màu xanh dịu mát của cây trái bạt ngàn. Bánh máy cày lăn đến đâu, đất tơi xốp đến đó. Hơn 150 héc ta na của Hợp tác xã Mé Lếch, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn được chăm sóc kỹ càng, khoa học hứa hẹn cho mùa quả bội thu.

Hợp tác xã Mé Lếch có 20 hộ gia đình chuyên trồng na, gồm na dai truyền thống, na Thái và na sầu riêng. Để chăm sóc cây na, các thành viên đã đầu tư máy móc hỗ trợ cho việc bừa đất, phun nước  và phun thuốc bằng máy.

Do đặc tính của cây na, nhất là quả na truyền thống thường có bọ nên phải phun nước và phun thuốc sâu sinh học thường xuyên, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Mô hình tưới văng, tiết kiệm nước ở hợp tác xã dâu tây Xuân Quế, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn (Sơn La)

Ông Nguyễn Hữu Tứ, Giám đốc hợp tác xã cho biết: Na sầu riêng là sản phẩm mới được hợp tác xã kết hợp với Viện rau quả Việt Nam trồng thử nghiệm hứa hẹn đem lại thu nhập rất cao. Vụ bói vừa rồi đã bán được từ 450.000-500.000 đ/kg, có quả cân nặng tới 2kg và vụ này dự kiến đạt 20-25 tấn/ha.

 “Cây na là cây khó tính nên hợp tác xã đã áp dụng công nghệ cao, đặc biệt là sản xuất hữu cơ và đưa hệ thống tưới ấm vào vườn cây. Với hệ thống tưới ẩm, hợp tác xã đầu tư 110 -120 triệu đồng trên 1 ha. Hợp tác xã cũng kết nối với các công ty, các siêu thị để bán sản phẩm cho bà con.” – Ông Tứ chia sẻ.

Sáng tạo phương pháp thụ phấn cho cây

Những ngày này, các thành viên hợp tác xã Nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc, huyện Yên Châu đang tập trung bao trái, chăm sóc, bổ sung chất dinh dưỡng cho cây xoài, chủ động nguồn nước tưới nhằm duy trì độ ẩm, đảm bảo chất lượng, năng suất và mẫu mã cho sản phẩm xoài xuất khẩu. Những cây xoài được ghép mắt, cắt tỉa, chăm bón theo tiêu chuẩn Vietgap rất khỏe mạnh, được bao trái từ bé nên mẫu mã rất đẹp.

Anh Hà Văn Quân, thành viên hợp tác xã chia sẻ: Chúng tôi thực hiện kỹ thuật thâm canh xoài theo tiêu chuẩn VietGAP, độ cao của cây giảm đã đảm bảo cho việc thu hái rất thuận tiên, chăm sóc tốt, đảm bảo chất lượng quả cung cấp ra thị trường.

Ông Hà Văn Sơn, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc, huyện Yên Châu cho biết: Hợp tác xã có 14,5 ha xoài tượng da xanh trồng theo quy trình VietGAP, trong đó có trên 7 héc ta được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu. Năm 2021, hợp tác xã đã xuất khẩu hơn 500 tấn xoài sang thị trường Trung Quốc và một số nước Trung Đông.

Dây chuyền sản xuất hoa quả sấy của Hợp tác xã Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5, huyện Mộc Châu (Sơn La) .

Chuẩn bị các điều kiện xuất khẩu năm nay, hợp tác xã đã kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh xuất khẩu sang thị trường truyền thống như Trung Quốc, ngay từ đầu vụ, hợp tác xã đã chủ động kết nối, liên hệ sớm, đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường nội địa, trong đó có hệ thống các siêu thị lớn. Tin vui là vừa qua, hợp tác xã đã ký kết được với một số công ty, đơn vị đặt hàng thu mua sản phẩm xoài xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản với sản lượng trên 500 tấn.

Chúng tôi đã thường xuyên họp bàn với các thành viên Hợp tác xã tìm cách nâng cao giá trị sản phẩm và mẫu mã sản phẩm. Nếu đảm bảo được sản phẩm hoa quả loại 1, sẽ được giá gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần sản phẩm thường.

- Tỉnh Sơn La hiện có hơn 700 hợp tác xã nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Trong đó, có trên 30% hợp tác xã có ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm nước, nhà lưới, nhà kính, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt; có gần 80% hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các xã có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.

- Theo đánh giá, hợp tác xã ở Sơn La đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thúc đẩy sản xuất nguyên liệu đáp ứng các tiêu chuẩn, phục vụ cơ sở, nhà máy chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh. Một số hợp tác xã là nơi ứng dụng thí điểm các tiến bộ khoa học công nghệ mới đã góp phần cơ cấu lại kinh tế theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững.

Việc hình thành và phát triển HTX kiểu mới ở Sơn La đã thể hiện vai trò quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương cũng như trong hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, các HTX đã hỗ trợ kinh tế hộ phát triển, tạo điều kiện cho kinh tế hộ trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, sử dụng dịch vụ, tiếp cận thị trường... là cầu nối cho sự trao đổi hàng hóa giữa công nghiệp và nông nghiệp, giữa thành thị và nông thôn, thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu lao động của địa phương.

Thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (2020-2025) về xây dựng Sơn La trở thành trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao của vùng Tây Bắc, các Hợp tác xã ở địa phương đã và đang tự nâng tầm để trở thành điểm cung ứng đầu vào cho sản xuất, là nơi tiêu thụ nông sản cho các thành viên, thúc đẩy thay đổi nhận thức của người dân trong sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, đạt các tiêu chuẩn, đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Đây là yếu tố quan trọng để Sơn La thực hiện thành công mục tiêu này. Trong bài cuối của loạt bài, chúng tôi sẽ phân tích thêm những giải pháp trọng tâm mà Sơn La đang thực hiện. 

 

Thanh Thuỷ, Lê Hạnh/VOV Tây Bắc 

Thu Ha bt- 4 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC