Lai Châu đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp
Thứ tư, 16:24, 03/08/2022 Thu Ha bt Thu Ha bt
LTS- Tỉnh biên giới Lai Châu đã tích cực đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, giúp người dân từng bước giải phóng sức lao động và góp phần thay đổi nhận thức của nông dân trong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trên địa bàn.

 

Xác định nông nghiệp là lĩnh vực trọng điểm, tỉnh Lai Châu đã tập trung tuyên truyền, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển nông nghiệp. Đồng thời, giai đoạn 2021-2025, Lai Châu ban hành các nghị quyết, quyết định về quy định chính sách phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung; phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; quy định chính sách hỗ trợ tài chính trong chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ và hoạt động khoa học, công nghệ...

Tỉnh chú trọng hỗ trợ bà con về cấp các loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp và tuyên truyền, vận động người dân tích cực thực hiện cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp, để thay đổi phương thức sản xuất, tăng năng suất.

Từ các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp đã từng bước giúp bà con nhân dân Lai Châu có điều kiện để chuyển đổi các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đây cũng là tiền đề quan trọng để Lai Châu tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, tạo dựng các sản phẩm, thương hiệu từ nông nghiệp.

Huyện biên giới Phong Thổ đã triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ nông nghiệp; trong đó, quan tâm đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp để giúp bà con nâng cao năng suất và hạn chế sử dụng sức lao động bằng chân tay. Huyện Phong Thổ hiện có gần 92% dân cư sống ở nông thôn và 88,7% lao động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Xác định sản xuất nông nghiệp là hướng phát triển kinh tế chủ lực của huyện, Phong Thổ đã tập trung huy động mọi nguồn lực đẩy mạnh phát triển cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn trên địa bàn tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ giới hóa trong sản xuất, nhất là chú trọng cơ giới hóa trong các khâu thu hoạch, gieo cấy và chăm sóc. Thông qua các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ gia đình được cấp phát các loại máy móc như: máy cày, máy bừa, máy gặt công suất nhỏ, máy tuốt lúa liên hoàn… để người dân có cơ hội, điều kiện áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất.

Việc đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp đã giúp việc thâm canh sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Phong Thổ giảm khoảng 7-10% chi phí.

Ông Vũ Hữu Lưỡng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Thổ cho biết, hết năm 2021, trên địa bàn huyện Phong Thổ có 76 máy gặt đập liên hợp; trên 4.120 máy làm đất các loại, hơn 300 máy tuốt lúa mini động cơ, 1.370 máy tách hạt, 10 máy đốn, 518 máy chế biến thức ăn (chủ yếu máy mini), 2 máy kéo từ 12-15 mã lực và các loại máy nhỏ khác...

Việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc thực hiện đúng lịch thời vụ, giải phóng sức lao động cũng như nâng cao hiệu quả sản xuất. Đồng thời, việc thâm canh sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã giảm được khoảng từ 7-10% chi phí.

Đặc biệt, việc cơ giới trong sản xuất nông nghiệp đã và đang từng bước góp phần thay đổi nhận thức của nông dân huyện Phong Thổ trong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; giúp người dân yên tâm đầu tư máy móc, mở rộng diện tích canh tác, tập trung hình thành những cánh đồng lúa lớn nhằm tạo ra sản phẩm có thương hiệu theo hướng hàng hóa đem lại thu nhập cho bà con.

Ông Lành Văn Phong ở xã Bản Lang, huyện Phong Thổ chia sẻ, trước đây, gia đình chỉ sử dụng sức người và sức kéo của gia súc phục vụ cho việc đồng áng nên chỉ trồng lúa một vụ và trồng thêm chút ngô, sắn để phục vụ nhu cầu chăn nuôi. Nhưng từ khi đưa máy móc vào các khâu làm đất, thu hoạch đã giúp giảm sức người, các thành viên trong gia đình không còn vất vả, mệt nhọc mỗi khi bước vào mùa vụ.

Nông dân xã Mường So, huyện Phong Thổ sử dụng máy tuốt lúa nhằm giảm sức người trong lao động.

Gia đình ông Phong còn đầu tư máy cắt cỏ, máy tách hạt. Nhờ vậy, năng suất, chất lượng tăng lên đáng kể. Việc sử dụng máy móc đã thay thế sức người giúp gia đình có thêm thời gian để làm nhiều công việc khác, kiếm thêm thu nhập và có thời gian nghỉ ngơi.

Ông Nguyễn Văn Thủy, Chủ tịch UBND xã Bản Lang, huyện Phong Thổ cho biết, thấy được lợi ích từ việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã tự bỏ tiền để đầu tư một số máy móc thiết yếu phục vụ công việc sản xuất cho gia đình.

Nhiều hộ dân có hoàn cảnh khó khăn được Nhà nước hỗ trợ, cấp một số loại máy móc phục vụ sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đây là một chủ trương đúng đắn, góp phần quan trọng trong việc đẩy mạnh cơ giới hóa trên địa bàn. Mặt khác, giúp người dân củng cố niềm tin vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. 

Nhờ đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, đến nay nhiều xã vùng khó khăn của tỉnh Lai Châu đạt gần 60% số hộ dân có máy móc phục vụ sản xuất như: máy cày, máy tuốt lúa liên hoàn, máy cắt chè, máy tách hạt ngô, máy xay xát… giúp người nông dân canh tác hiệu quả, đồng thời, góp phần thúc đẩy lĩnh vực nông nghiệp Lai Châu phát triển.

Việc đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp giúp người dân huyện Phong Thổ thay đổi nhận thức trong ứng dụng khoa học kỹ thuật và nâng cao hiệu quả kinh tế trên địa bàn.

Giai đoạn 2004-2020 tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân đạt trên 22%; giá trị sản xuất ngành nông nghiệp năm 2020 đạt trên 3.200 tỷ đồng, tăng 8,5 lần so với năm 2004; hình thành và phát triển nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn như trên 8.500 ha chè, trên 13.000 ha cao su, trên 5.000 ha mắc ca và hơn 4.000 ha chuối... Chương trình Mỗi xã một sản phẩm được đẩy mạnh với hơn 100 sản phẩm OCOP.

Bên cạnh những thuận lợi, việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp ở Lai Châu còn chưa đồng đều do địa bàn chủ yếu là đồi núi, đất sản xuất cách xa nhau, rải rác. Cùng đó, giao thông đi lại tại các xã, bản vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới còn nhiều trở ngại nên việc vận chuyển máy móc đến các cánh đồng sản xuất gặp khó khăn. Kinh phí để mua máy móc phục vụ cho sản xuất cao nên việc đầu tư còn hạn chế; người dân chưa có kinh nghiệm trong việc lựa chọn, sử dụng cũng như sửa chữa máy móc.

Để đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới, Lai Châu tiếp tục chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, vận động nhân dân tiếp tục chuyển đổi cơ giới hóa vào sản xuất. Tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại cho đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, các xã thiếu nguồn lao động; phối hợp mở các lớp đào tạo nghề nông nghiệp, chú trọng nghề sửa chữa máy móc thiết bị trong công nghiệp, nông nghiệp.

Đồng thời, tỉnh lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng, kiên cố hóa kênh mương nội đồng, tạo điều kiện thuận lợi đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất; đẩy mạnh tuyên truyền phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

Tỉnh cũng có những cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân vào địa bàn đầu tư phát triển cơ giới hóa trong lĩnh vực nông nghiệp. Qua đó, từng bước đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện phát triển nông nghiệp trên địa bàn theo quy mô hàng hóa, tiến tới xây dựng nền nông nghiệp bền vững.

 

Theo TTXVN

Thu Ha bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC