Mùa Chôl chnăm thmây sung túc
Thứ năm, 00:00, 13/04/2017

VOV4.VN - Mặc dù biến đổi khí hậu gây không ít khó khăn đến sản xuất nông nghiệp, nhưng tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và sản xuất liên kết với doanh nghiệp nên đồng bào Khmer ở Trà Vinh tiếp tục có được một mùa Chôl chnăm thmây sung túc.

 

Tại các xã có đông đồng bào Khmer sinh sống như Ngọc Biên, Long Hiệp, Tân Sơn, Đại An (Trà Cú, Trà Vinh), bà con tranh thủ thu hoạch màu để kịp chuẩn bị cho ngày tết Chôl chnăm thmây cận kề. Đây là vùng đất giồng cát, thường xuyên bị thiếu nước tưới, nhất là trong vụ Đông xuân và đầu vụ Hè thu, ảnh hưởng hạn mặn rất nặng. Từ khi có chủ trương chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang một vụ lúa, hai vụ màu thì thu nhập trên đơn vị diện tích nơi đây tăng cao gấp 2-3 lần.

 

Ông Thạch Chên đưa nhân viên công ty xuống kiểm tra trước khi thu hoạch

 

Ông Thạch Chên, ở xã Ngọc Biên, 4 năm tham gia Tổ liên kết trồng bắp giống, cho biết ngoài được bao tiêu sản phẩm với giá định trước, nông dân còn được Công ty Giống cây trồng miền Nam hỗ trợ giống và kỹ thuật. 8 công đất, vụ nào nhà ông cũng thu lãi gần 30 triệu đồng. Gia đình ông còn nuôi hai con bò sinh sản và tận dụng nguồn phụ phẩm từ bắp làm thức ăn nên mỗi năm thu nhập thêm trên 20 triệu đồng bán bê con.

 

Tại xã Đại An, hàng trăm hộ trúng mùa, trúng giá vụ khoai môn sáp. Với năng suất 1,5-2 tấn/công và giá bán môn loại 1 là 18.000đồng/kg; loại 2, loại 3 từ 10.000-15.000đồng/kg, lãi từ 18-25 triệu đồng/ha sau 4,5 tháng trồng, cao gấp 10 lần so với trồng lúa.

 

Gia đình chị Thạch Thị Chanh Đa, ở ấp Giồng Lớn A, có 3 công khoai môn sáp vàng, ước lãi không dưới 70 triệu đồng, là đợt lãi cao nhất từ khi chị gắn bó nghề nông đến nay.

 

Ruộng môn sáp vàng của nông dân xã Đại An, huyện Trà Cú

 

Phấn khởi nhất là các hộ trồng ớt vì giá ớt năm nay ổn định ở mức khá cao, có lúc từ 60.000-70.000 đồng/kg. Với mức giá này, người trồng thu lãi khoảng 50 triệu đồng/công chỉ sau 2 tháng rưỡi đầu tư chăm sóc, đặc biệt đầu ra được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ. Hiện nay, giá ớt đã giảm nhưng nông dân vẫn còn lãi không dưới 10 triệu đồng/công.

 

Ông Kiên Sa Pha ở xã Long Hiệp, có 3 công ớt chỉ thiên đang thu hoạch, nói: “Thực hiện chuyển đổi cây trồng vật nuôi theo sự vận động của địa phương, gia đình trồng 3 công ớt chỉ thiên, cứ 2,5 tháng bắt đầu thu hoạch. Nói chung ớt giá ổn định hơn những cây màu khác, đầu ra được bao tiêu, bà con rất phấn khởi”.

 

Phần lớn khu vực trồng lúa kém hiệu quả trước đây của huyện Trà Cú đã được chuyển đổi sang cây màu. Tính đến nay, địa phương có gần 4.000ha được chuyển sang mô hình chăn nuôi, trồng trọt như luân canh màu – lúa, chuyên canh màu-nuôi thủy sản, trồng cây ăn trái… Huyện đầu tư 145 tỷ đồng phát triển giao thông nông thôn, đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân và cho nông dân vay 100 tỷ đồng phát triển sản xuất. Tỷ lệ hộ nghèo giảm gần 5%, xuống còn 20,3% trong năm vừa qua.

 

Tỉnh Trà Vinh có hơn 10.000 ha đất giồng cát, thiếu nước tưới vào mùa khô. Đến nay, đã chuyển đổi được hơn 5.000 ha, trong đó ớt chỉ thiên, bắp giống, đậu phộng là đối tượng khuyến khích rộng. Bình quân mỗi héc ta đất chuyển đổi thu nhập tăng từ 30-40 triệu đồng lên 80 -90 triệu đồng/năm, giúp đời sống của người nông dân vùng bị ảnh hưởng nặng bởi biến đổi khí hậu chuyển biến rõ rệt, nhất là đồng bào dân tộc Khmer.

 

 


Sa Oanh/VOV-ĐBSCL

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC