(VOV) - Tại xã biên giới Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum có một ngôi trường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, do Binh đoàn 15 (Bộ Quốc phòng) xây dựng. Binh đoàn 15 cũng đầu tư xây dựng hàng trăm ngôi trường khác dọc tuyến biên giới Bắc Tây Nguyên.
Giữa những cánh rừng ngút ngàn ở vùng biên giới Mô Rai, tỉnh Kon Tum, Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Võ Nguyên Giáp là hình ảnh nổi bật. Giờ giải lao, hàng trăm học sinh ùa ra sân, tiếng vui đùa rộn rã làm tan đi sự im ắng của vùng đất chỉ toàn rừng và núi.
Em Tống Khánh Linh, dân tộc Mường, học sinh lớp 9, cho biết bố mẹ em đều là công nhân cao su, thuộc Binh đoàn 15.
Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Võ Nguyên Giáp có gần 350 học sinh, đều là con em công nhân cao su của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 78, Binh đoàn 15
Thầy giáo Nguyễn Trung Hưng, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết, trước đây, công tác dạy và học gặp rất nhiều khó khăn. Học sinh phải đi rất xa, thầy cô phải đến tận nhà vận động, nhưng sĩ số học sinh vẫn thấp. Ngôi trường bán trú do Binh đoàn 15 hỗ trợ xây dựng đã giúp việc dạy và học thuận lợi hơn rất nhiều.
Mô Rai là xã biên giới của huyện Sa Thầy, cách trung tâm tỉnh Kon Tum khoảng 80km. Ở đây dân cư thưa thớt, giao thông cách trở, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, đặc biệt là cơ sở vật chất của ngành giáo dục thiếu thốn.
Cách đây 2 năm, Đoàn Kinh tế Quốc phòng 78 đã hỗ trợ kinh phí và huy động nhân lực để xây dựng Trường Tiểu học và Trung học Võ Nguyên Giáp tại xã Mô Rai.
Đại tá Nguyễn Thăng Thanh, Bí thư Đảng ủy Đoàn Kinh tế Quốc phòng 78, cho biết, trường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp là để những người lính của đơn vị tri ân, tưởng nhớ Đại tướng. Đồng thời, để con em đồng bào các dân tộc và công nhân của đơn vị học tập và noi theo tấm gương của Đại tướng, góp phần xây dựng, bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc.
Ngôi trường như một nét màu sáng nơi vùng biên
Cùng với ngôi trường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, dọc tuyến biên giới thuộc hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai, Binh đoàn 15 đã đầu tư xây dựng hàng trăm trường mẫu giáo, nhà trẻ, hàng chục ngôi trường phổ thông.
Thiếu tướng Đặng Anh Dũng, Tư lệnh Binh đoàn 15, khẳng định đầu tư cho giáo dục là nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược của Binh đoàn. Những năm qua, giá mủ cao su xuống thấp, kinh doanh gặp khó khăn nhưng nguồn lực đầu tư cho giáo dục vẫn được Binh đoàn duy trì.
“Câu chuyện trồng người ở trên biên giới là để giữ công nhân ở đây. Phải có trường, phải dạy cho con em cán bộ, nhân viên và đồng bào dân tộc thiểu số trên đấy. Nào là trường tiểu học nội trú, đến khi các cháu lớn lên thì lại trường trung học, chúng tôi phải xây. Chờ vào ngân sách nhà nước, chờ ngân sách địa phương thì rất khó.
Các cháu được học hành, các cháu cảm thấy được sự quan tâm, chăm lo của công ty, của Binh đoàn. Các cháu trưởng thành, lớn lên, thấm đậm văn hóa ở đó thì sẽ gắn bó, đi đâu rồi cũng quay về. Chính những người đó mới là những người giữ biên giữ biên giới” - Thiếu tướng Đặng Anh Dũng nói.
Dọc tuyến biên giới Bắc Tây Nguyên, sự nghiệp trồng cây và trồng người mấy chục năm qua của những người lính Binh đoàn 15 đã góp phần tạo nên những cánh rừng cao su trù phú, những buôn làng ấm no và những thế hệ tương lai đầy triển vọng. Một “vành đai xanh”, một “vành đai sống” đã thực sự hình thành ở nơi đây.
Công Bắc/VOV-Tây Nguyên
Viết bình luận