(VOV) - 2 năm qua, chị H’Hồng Kđoh đã tự mở lớp xoá mù chữ cho chị em trong buôn. Những cố gắng của chị đã được đền đáp khi phụ nữ buôn Phơng đọc thông viết thạo, phong trào phụ nữ khởi sắc.
Mỗi tối thứ 6, thứ 7 và chủ nhật hàng tuần, chị em người Ê-đê ở buôn Phơng, xã Chư Dliê M’nông, huyện Chư M’gar, tỉnh Đắc Lắc, lại hồ hởi cầm bút cầm vở rủ nhau đến Nhà văn hóa cộng đồng để học chữ. Lớp học do chị H’Hồng Kđoh (thường gọi là amí Uyên), Chi hội trưởng chi hội phụ nữ buôn Phơng, mở ra từ tháng 10/2014.
Chị H’Hồng cho biết: “Chị em trong buôn đa số không biết chữ, nên chị em phải nhờ người khác ký thay tên mình trong các giấy tờ. Nhiều lần họp hội, thấy tình trạng không biết chữ của chị em rất bất tiện trong cuộc sống, nên tôi đã quyết định mở lớp để xoá mù chữ cho chị em”.
Ban đầu, do tâm lý e ngại và cuộc sống khó khăn nên việc vận động chị em đến lớp rất vất vả. Kiên trì đến từng nhà trò chuyện, rồi thường xuyên gọi điện, thuyết phục người chồng cho vợ đi học, chị H’Hồng tự bỏ tiền mua bút, mua vở cho học viên. Buổi đầu tiên, lớp học chỉ có 8 người. Nhưng rồi khao khát biết viết, biết đọc nên chị em cứ thế rủ nhau, số người học lên tới 44 người, trong đó có nhiều người đã 40 - 50 tuổi. Các chị đã vượt qua những khó khăn về tuổi tác, công việc nương rẫy hàng ngày, để đều đặn các tối cuối tuần đến lớp.
Lớp học ở buôn Phơng do chị H’Hồng Kđoh mở. Ảnh: dantri.com
Aduôn Sa Li (bà của Sa Li-cách gọi tên theo tên con cháu của người Ê đê), gần 50 tuổi, chia sẻ: “Nhiều người theo học và biết chữ nên tôi cũng theo học. Mắt tôi cũng mờ lắm nhưng vì thích học quá nên tôi vẫn kiên trì. Tôi cũng nhiều tuổi rồi nhưng đi đây đi đó cũng cần phải biết chữ”.
Khát khao biết chữ để không phải nhờ người khác ký thay hay điểm chỉ mỗi khi giao dịch vay vốn hoặc đi khám bệnh, đăng ký cho con đi học…, nên chị em rất quyết tâm. Trời tối, nhưng có chị vẫn địu cả con nhỏ đến lớp. Có những chị đi làm rẫy về, nấu nướng xong, chưa kịp ăn uống đã vội đến lớp cho kịp giờ học.
Aduôn Di tâm sự: “Amí Uyên (mẹ của Uyên) dạy không lấy tiền, cô ấy dạy rất nhiệt tình. Hoàn cảnh gia đình cô cũng khó khăn lắm, nhưng cô vẫn dành thời gian để dạy chữ cho chúng tôi. Tham gia lớp học biết được rất nhiều điều. Trước đó tôi không biết một chữ nào hết, giờ tôi biết đọc, biết viết rồi. Tôi rất thích đi học. Cảm ơn Ami Uyên nhiều lắm…”.
Sự nhiệt huyết của người lớn đã truyền lửa cho trẻ em buôn Phơng. Nhiều học sinh tiểu học cũng tranh thủ buổi tối theo chị, theo mẹ đến lớp học. Những học sinh lớp 3 lớp 4, ở trường đọc không đúng dấu thì nay đã đọc tốt hơn.
Bên cạnh dạy chữ, chị H’Hồng còn lồng ghép những kiến thức về pháp luật, an toàn giao thông vào bài học. Năm 2015, chị H’Hồng đã khuyến khích các học viên tham gia quỹ tiết kiệm với tổng số tiền gần 20 triệu đồng, xây dựng “hũ gạo tình thương” được hơn 100 kg gạo, và nuôi heo đất 800.000 đồng để giúp đỡ cho các chị em nghèo, chị em gặp hoàn cảnh khó khăn.
Gần 2 năm qua, lớp học của chị H’Hồng vẫn duy trì đều đặn. Sự ham học hỏi của các học viên là động lực để chị H’Hồng tiếp tục mở lớp, kết hợp xóa mù chữ, chống tái mù với sinh hoạt hội phụ nữ, chia sẻ những kiến thức về chăm sóc sức khỏe, trồng trọt, chăn nuôi...
Ghi nhận những đóng góp của chị với buôn làng, tháng 12 năm 2015, chị H’Hồng Kđoh vinh dự là một trong những đại biểu của tỉnh Đắc Lắc đi dự Đại Hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX.
Za Wút/VOV-Tây Nguyên
Viết bình luận