Người Rơ Măm học trồng cao su
Thứ năm, 00:00, 25/08/2016

(VOV) - Với sự chung sức của những người lính Binh đoàn 15, đời sống của đồng bào các dân tộc ở xã biên giới Mô Rai đang đổi thay từng ngày. Gắn với sự phát triển của những vườn cây công nghiệp là những buôn làng ấm no.


 

Làng Le, xã biên giới Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum là nơi định cư lâu đời của bà con dân tộc Rơ-măm, một trong những dân tộc ít người nhất nước ta. Làng hiện có 100 hộ dân với khoảng 400 nhân khẩu.

 

Trưởng thôn A Dói cho biết trước đây, bà con trong làng chủ yếu sống bằng làm rẫy và săn bắt thú trong rừng, đời sống rất khó khăn, đói giáp hạt diễn ra thường xuyên. Hơn 15 năm nay, kể từ khi Bộ đội Công ty 78, Binh đoàn 15, về xã, bà con đã dần thay đổi cách thức sản xuất, sinh sống. Nhiều hộ đã tham gia trồng cao su và làm công nhân trong công ty, không còn lo đói nghèo như trước.

 

“Từ khi có bộ đội về đây, bà con dân làng rất phấn khởi, đời sống được nâng cao. Giờ thì bà con đã hiểu, đã biết cách thức sản xuất, gạo ngô không thiếu nữa, rồi còn trồng được cao su. Giá cao su giờ hơi thấp, nhưng tôi luôn vận động bà con phải giữ vườn cây đã trồng đợi giá cao, những người làm công nhân thì phải cố gắng bám trụ với công ty” -  A Dói nói.

 

 

Chiến sĩ Công ty 78 hướng dẫn bà con cách khai khác mủ cao su

 

Cùng với đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, đời sống của những công nhân đến xã biên giới Mô Rai theo chủ trương phát triển kinh tế trên biên giới của Bộ Quốc phòng cũng đã ổn định. Anh Lê Văn Lĩnh, công nhân đội sản xuất số 5, Công ty 78, cho biết anh xuất thân từ một gia đình nghèo khó, vào làm công nhân từ những ngày đầu thành lập công ty, tuổi mới đôi mươi và còn độc thân. Đến nay, anh đã lập gia đình, có 1 con gái chuẩn bị vào lớp 5, đời sống đã ổn định: “Tôi vào công nhân năm 1999. Gắn bó với công ty, đến thời điểm này đời sống đã ổn định. Làm nghề trồng cao su, làm công nhân cạo phải thức đêm, nói chung cũng vất vả nhưng gắn bó lâu như vậy rồi, tôi vẫn mong muốn gắn bó lâu dài”.

 

Với sự nỗ lực của công nhân, lại ở nơi điều kiện thổ nhưỡng thích hợp, nên năng suất cao su trên xã biên giới Mô Rai luôn cao nhất Tây Nguyên và năng suất của Công ty 78 luôn cao nhất Binh đoàn 15. Đại úy Hà Duy Trưởng, Đội trưởng đội sản xuất số 5, cho biết, qua 10 năm khai thác, sản lượng của đơn vị đạt bình quân hơn 2.100kg mủ khô/ha/năm.

 

Những vườn cây công nghiệp dần phủ xanh trên dải đất biên cương và đời sống của dân làng đang dần ổn định.

 

 

 

Công Bắc/VOV-Tây Nguyên

 

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC