Năm 1987, ông Sơn Lộc rời quân ngũ trở về quê hương. Tuy thân thể mang thương tích chiến tranh, một mắt bị mù lòa, thương binh hạng 4/4, thế nhưng, ông Sơn Lộc luôn phấn đấu học tập và làm theo lời dạy của Bác Hồ: “thương binh tàn nhưng không phế”.
Buổi đầu, ông gặp khá nhiều gian nan, nhất là mỗi khi thời tiết chuyển mùa, vết thương làm ông đau nhức: "Có hôm nhức mỏi làm mình không còn sức lực, đôi lúc chán nản. Nhưng tối về suy nghĩ nếu mình không lao động thì con cái ai nuôi, thế là quyết tâm, đau nhức gì cũng đành chịu vì các con và gia đình".
Ông Sơn Lộc là điển hình " thương binh tàn nhưng không phế"
Ông từng bước cải tạo đất đai, chuyển hướng sản xuất Lúc lập gia đình ra riêng, ông có 6 công đất ruộng. Với quyết tâm vươn lên, ông đã xây dựng mô hình 2 cây + 1 con để phát triển kinh tế. Đó là cây lúa, cây màu và nuôi heo, với phương châm tiết kiệm chi tiêu, tích lũy tiền mua thêm đất mở rộng sản xuất.
Ông Sơn Lộc kể: "6 công đất, nếu làm thì cũng không có dư giả gì nhiều, rồi mình trồng thêm rẫy màu và chăn nuôi gia súc. Tiết kiệm từng ít từng ít. Đầu tiên mình nuôi heo nái, sau đó đẻ ra heo con mình để nuôi hết. Còn trồng màu thì lúc đó có kết quả tốt, mỗi vụ mình lời mua được 1 cây vàng. Rồi một cây vàng đó mình dành mua thêm đất cũng được 2 công ruộng. Dành dụm từng chút vậy đó, người ta bán một hai công ruộng là mình mua à".
Hiện nay, ông Lộc làm chủ một cơ ngơi khá ổn định, có 20 công ruộng. Lợi nhuận thu được mỗi năm hơn 200 triệu đồng.
Sóc Trăng có khoảng 6.000 thương binh; trong đó có nhiều tấm gương như thương binh Sơn Lộc ở xã Long Phú, luôn nêu cao phẩm giá Anh bộ đội Cụ Hồ, hăng say lao động.
Thạch HồngVOV-ĐBSCL
Viết bình luận