Người thương binh K’ho trả nghĩa rừng
Thứ tư, 00:00, 01/03/2017

VOV4.VN - Trở về sau cuộc chiến chống Fulro, với nhiều thương tích, ông K’Ten (dân tộc K’Ho) vẫn đau đáu với núi rừng. Ân nghĩa với rừng, nên mấy chục năm nay, thương binh K’Ten cùng vợ ở hẳn trong rừng, chống lại lâm tặc, bảo vệ quần thể thông đỏ cổ thụ quý hiếm ở khu căn cứ cách mạng Núi Voi.


 

Kết thúc tuần nghỉ dưỡng theo tiêu chuẩn của thương binh 4/4 tại Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Lâm Đồng, ông K’Ten vội khoác ba lô về với núi rừng (xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng).

 

Trong căn nhà gỗ đơn sơ giữa bạt ngàn thông xanh, thương binh K’Ten kể: gần 30 năm trước, cũng ở khu căn cứ cách mạng Núi Voi này, ông cùng lực lượng Công an Lâm Đồng ngày đêm lặn lội trong rừng sâu núi thẳm để vận động, thu phục tàn quân Fulro.

 

Trong cuộc chiến này, ông đã bị phục kích, bắn trọng thương. Sau khi được đồng đội chữa trị vết thương bằng những nắm lá rừng, K’Ten tiếp tục bám trụ để chiến đấu cho đến tháng 8/1986, căn cứ cuối cùng của Fulro ở huyện Đức Trọng bị xóa sổ hoàn toàn. Chiến công đó, theo K’Ten là ân nghĩa của rừng.

“Ngày xưa rừng bảo vệ mình để chống Fulro. Rừng đã bảo vệ như thế thì mình nợ rừng, nợ của rừng thì mình phải trả. Đừng vì đồng tiền, vì lợi ích cá nhân mà huỷ hoại rừng là không nên”.

 

Thương binh K’Ten bên gốc thông đỏ cổ thụ quý hiếm được đánh số 134 ở khu căn cứ cách mạng Núi Voi

 

Kể từ đó, ông K’Ten ở lại hẳn với rừng; lấy vợ và sinh sống giữa vùng căn cứ cách mạng Núi Voi. Căn nhà đơn sơ chỉ vài chục mét vuông, được ghép từ những mảnh bìa gỗ đã mục nát, là tổ ấm của gia đình ông giữa núi rừng quanh năm giá lạnh. Hàng ngày, ông khoác ba lô, chống gậy đi tuần tra, bảo vệ 32 hec-ta rừng được giao khoán.

 

Còn vợ ông là bà Ka Khuy tần tảo sớm hôm tăng gia sản xuất, trồng ngô, sắn, ươm chồi cà phê và chăm sóc cây chuối quanh nhà để cải thiện cuộc sống. Mặc dù sống chung với rừng mấy chục năm nay, nhưng nhiều lúc, bà Ka Khuy vẫn cảm thấy chạnh lòng, vừa buồn cho hoàn cảnh khó khăn, vừa thương chồng vất vả.

 

"Mình động viên ảnh giữ rừng, còn mình nghèo thì mặc kệ. Mình đừng có tham lam phá rừng lấy cây gỗ mệt lắm. Nhưng mà họ ghét ổng lắm. Họ đòi đốt nhà, đốt cửa đó” - bà Ka Khuy nói.

Mấy chục năm qua, ông K’Ten cùng vợ bám trụ trên núi Voi. Sức khoẻ của người thương binh ngoài 60 tuổi có phần giảm sút, nhưng hơn 32 ha rừng ông nhận khoán bảo vệ vẫn nguyên vẹn; 59 cây thông đỏ đặc biệt quý hiếm, hàng trăm năm tuổi vẫn xanh tươi.

 

Ông K’Ten hài lòng vì mình đang trả nghĩa cho rừng.

 

 

 

CTV Văn Quang




Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC