(VOV) - Từ đầu tháng 9 đến nay, hàng nghìn hộ dân tộc Xơ đăng ở huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, có thêm một nguồn thu đáng kể nhờ bán sim rừng. Cùng với gìn giữ, mở rộng diện tích cây sim rừng, chính quyền địa phương tích cực khuyến khích doanh nghiệp sản xuất thêm nhiều sản phẩm nhằm xây dựng thương hiệu cho quả sim rừng.
Suốt từ đầu tháng 9 đến nay, ngày nào vợ chồng anh A Dong ở làng Kon Ke 1, xã Đắc Long, cũng tranh thủ vào rừng hái trái sim về bán. Anh A Dong cho biết sim rừng mọc hoang bạt ngàn ngay những cánh rừng gần làng, lại chín nhiều khiến việc thu hái rất thuận lợi. Những năm gần đây, nhờ quả sim rừng, hàng nghìn hộ dân Xơê đăng ở 6 xã của huyện Kon Plông, gồm: Măng Bút, Đắc Tăng, xã Hiếu, Pờ Ê, Đắc Long và Măng Cành hàng ngày có thêm thu nhập.
Anh A Dong thu hái sim rừng
Anh A Dong nói: “Trong làng thì đa số vừa gặt lúa vừa tranh thủ hái sim. Mỗi người hái trong ngày, có lúc thì 12-13kg, có lúc thì 15kg. Về giá, cả cứ 1kg tính 12.000 đồng”.
Địa bàn huyện Kon Plông có trên 280ha sim rừng. Trong đó, diện tích sim mọc dưới tán rừng hơn 207ha, còn lại là mọc thuần. Nhận thấy giá trị kinh tế của loại cây này, chính quyền huyện đã kêu gọi doanh nghiệp đến nghiên cứu đầu tư, và cách đây 3 năm, cho ra đời sản phẩm rượu vang sim được thị trường ưa chuộng. Để có nguồn nguyên liệu ổn định, chính quyền huyện Kon Plông chỉ đạo 6 xã có diện tích sim rừng khoanh vùng bảo vệ.
Ông Trương Ngọc Tuyền, Chủ tịch UBND xã Đắc Long, địa phương có diện tích sim lớn nhất huyện, cho biết: “Địa bàn xã Đắc Long, diện tích sim nằm dưới tán rừng khoảng 127ha. Địa phương đã quy hoạch để có chính sách giữ và trồng thêm sim mới ở các đồi nghèo kiệt không phát triển được các loại cây công nghiệp khác, góp phần xóa đói giảm nghèo”.
Để trái sim rừng thành đặc sản của địa phương và mang lại thu nhập cao cho người dân, huyện Kon Plông đã có định hướng quy hoạch vùng bảo tồn, phát triển cây sim rừng từ hơn 280ha hiện nay lên hơn 800ha vào năm 2020; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu cho ra đời nhiều loại sản phẩm từ cây sim rừng, như: rượu vang và một số loại rượu, trà hoa sim, các loại bánh mứt, mật sim và nước giải khát làm từ trái sim.
Khoa Điềm/VOV-Tây Nguyên
Viết bình luận