Nhiều công trình cấp nước nông thôn xuống cấp
Thứ tư, 00:00, 06/04/2016

(VOV)- Nhiều công trình cấp nước tập trung ở miền núi tỉnh Quảng Nam hoạt động kém hiệu quả, một số không còn hoạt động. Đường ống bị hỏng; các khe suối, hồ đập dần khô cạn khiến người dân miền núi gặp nhiều khó khăn.


Xã Trà Mai nằm ngay trung tâm huyện Nam Trà My, được đầu tư 2 công trình cấp nước tập trung và 4 công trình nước sinh hoạt tự chảy ở các con suối Tăk Ốt, Nước Nia, Tắc Chươm,… Những công trình này không phát huy tác dụng, có công trình không còn hoạt động. Nhiều năm nay, gia đình chị Hồ Thị Hòa, ở thôn 2,  dùng nước tự chảy ở suối Tăk Ốt. Thời điểm không có nước, chị phải huy động hai, ba người đi bộ gần 8km đường rừng để lấy nước về ăn uống.

 

- Hồi không có nước thì phải lên tút trên núi, đi bộ. Mà nói rứa chứ một người không dám lên đó lấy, cỡ hai, ba người mới dám lên đó lấy được. Chỉ cần biết có nước uống thôi chứ không cần biết nước có sạch hay không.

 


cong_trinh_nuoc_HPCY.jpg

Công trình nước sinh hoạt ở đã bị hư hỏng nhiều năm nay. Ảnh:baomoi.com


Tại xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, có 5 công trình cấp nước sinh hoạt. Nhưng có đến 3 công trình đã bị xuống cấp, không sử dụng được. Cả huyện Nam Trà My có hơn 70 công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân, kinh phí đầu tư mỗi công trình khoảng 500-700 triệu đồng. Đến nay, 55 công trình hoạt động không hiệu quả và ngưng hoạt động.


Ông Huỳnh Tấn Hoàng, chuyên viên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Trà My, cho biết công trình cấp nước hư hỏng do địa phương không có nguồn vốn đầu tư sửa chữa số công trình này:


- Bởi vì không có nguồn duy tu bảo dưỡng công trình. Ở trên này hiện tượng sạt lở, trôi vỡ đường ống, mà người địa phương cứ trôi vỡ là bỏ hẳn công trình luôn. Nước kéo từ suối về các khu dân cư thì xa chứ không gần, vậy mà hư khoảng năm bảy chục mét là họ bỏ hẳn công trình.

 

Theo báo cáo của Trung tâm Nước sạch và Tư vấn thủy lợi Quảng Nam, hiện cả tỉnh có 490 công trình, trong đó có 145 công trình hoạt động kém hiệu quả, hư hỏng, xuống cấp và có 84 công trình đã ngừng hoạt động. Ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho rằng các công trình cấp nước tập trung là cần thiết cho đời sống của người dân miền núi, tuy nhiên cần phải phân cấp quản lý để phát huy hiệu quả.

 


Phương Cúc/VOV-miền Trung

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC