(VOV) - Rời quân ngũ, những cựu chiến binh mang trong mình nhiều thương tật bởi chiến tranh tiếp tục xung phong trên mặt trận phát triển kinh tế - xã hội. Họ trồng cây, họ nuôi bò, thả cá... vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho gia đình mình và cho cả bà con làng xóm.
Năm 1990, phục viên, cựu chiến binh Hoàng Văn Nam cùng gia đình từ quê hương Cao Bằng chuyển vào Bình Phước.
Trang trại của thương binh Hoàng Văn Nam (thường được gọi là Nam "Tày", bởi ông là người dân tộc Tày) ở xóm Bưng Mây, ấp 6, xã Tân Thành, thị xã Đồng Xoài, rộng gần 10 ha. Ngoài cây cao su, điều, ông đào ao nuôi cá, trồng cỏ nuôi bò vỗ béo và lai tạo heo rừng. Ông tận dụng địa thế tạo nên dòng chảy để phát điện, đầu tư gần 50 triệu đồng để lắp pin năng lượng mặt trời, tạo ra nguồn điện đủ để gia đình sử dụng. Những phế phẩm từ đàn bò, heo thì tạo nên khí đốt.
Với mô hình vườn – ao – chuồng, mỗi năm gia đình ông thu hơn 200 triệu đồng. Ngắm cơ ngơi ngày nay, ít ai biết được cách đây 30 năm vùng đất này là “rừng thiêng nước độc". Vậy mà, bằng ý chí và nghị lực của người lính, ông Nam đã làm nên cơ nghiệp.
Ông Nam bên chuồng bò nhà mình. Ảnh: Thụy Sĩ
Ông Nam "Tày" cho biết: “Về đây lập nghiệp thời đó rất khó khăn, nhiều người người ta sợ bệnh tật, người ta về hết. Còn tôi, dù có khó khăn bao nhiêu tôi cũng phải ở lại. Lúc mới thì cái gì cũng khó, cái khó rồi cũng ló cái khôn, vợ chồng bảo ban nhau làm ăn, lấy ngắn nuôi dài, tích cóp dần dần rồi mở rộng làm ăn. Nhờ đó mà kinh tế gia đình mới có ngày hôm nay”.
Khi trở về cuộc sống đời thường, ông Nguyễn Hồng Dũng, ở 118 Nguyễn Huệ, khu phố Bình Thiện, phường Tân Thiện, thị xã Đồng Xoài, đã mất một cánh tay trên chiến trường. Ông Dũng đã làm đủ mọi việc để nuôi các con, từ việc bán cà rem (kem) đến việc chạy xe thồ... Sau nhiều năm tích cóp, ông đã đầu tư sản xuất. Đến năm 1995, gia đình ông đã có 20ha đất trồng cây công nghiệp. Trên mảnh đất của mình, ông trồng lúa, trồng điều xen cao su. Sau bao nhiêu năm lam lũ, cơ cực, giờ đây gia đình ông Dũng đã thu được trái ngọt. Mỗi năm, gia đình ông đã thu về hơn 200 triệu đồng. Ông tạo việc làm ổn định cho gần 10 lao động địa phương.
Ông Dũng lúc an nhàn. Ảnh:Thụy Sĩ
Ông Nguyễn Hồng Dũng chia sẻ: “Là người lính thì mình phải có ý chí và nghị lực. Mình cũng chẳng có tài hơn người ta. Điều quan trọng là phải kiên trì và siêng năng và dám làm, đó là điều thứ nhất. Điều thứ hai là tự tin vào bản thân mình và một điều nữa là phải có lòng tự trọng, có nghĩa là không muốn nhờ vả ai, nhờ vả rồi cũng quen đi. Cái gì mình làm không được thì phải học và làm cho bằng được”.
Từ cuộc sống nghèo khó lúc mới rời quân ngũ, nhờ lao động cần cù mà trở nên khá giả, hai người thương binh tôi gặp hiểu cuộc sống của bà con nghèo ở địa phương. Ngoài việc giúp đỡ bà con và đồng đội vốn sản xuất không tính lãi, mỗi năm họ còn hỗ trợ vật tư nông nghiệp cho những hội viên khó khăn. Với sự giúp đỡ chí tình và kịp thời này mà không ít hộ đã sản xuất hiệu quả.
Ông Lê Đức Hùng, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Bình Phước, cho biết: "Ông Dũng là thương binh cụt tay, trước đây từ ngoài Bắc vào là chạy xe ôm, và đến bây giờ tự vươn lên làm giàu chính đáng, con cái được học hành và thành đạt cả. Đó là một tấm gương, ngoài ra còn nhiều tắm gương khác nữa, hằng năm đều có những đóng góp cho hội cựu chiến binh và các đoàn thể khác, hỗ trợ cho người nghèo và các hoạt động khác ở địa phương".
Mỗi người một hoàn cảnh, hai cựu chiến binh đều có một điểm chung là vượt khó vươn lên và luôn sống trách nhiệm vì đồng đội và cộng đồng.
Thụy Sỹ/VOV-TP.HCM
Viết bình luận