Những người phụ nữ tiêu biểu của buôn làng Tây Nguyên
Thứ tư, 14:47, 08/12/2021 Thu Ha bt Thu Ha bt
VOV4.VN - Vượt qua khó khăn, sóng gió, nhiều phụ nữ người dân tộc thiểu số đã giành những thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực, khẳng định vai trò của mình trong xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc và đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương.

 

Trẻ nhất Khoa truyền nhiễm, bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, bác sĩ Ayun Thị Ánh Hồng, sinh năm 1991, dân tộc Ê đê, nhận được sự tín nhiệm của đồng nghiệp và sự tin yêu của bệnh nhân. Từ tháng 7/2021 đến nay, khi tình hình dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, bác sĩ Ánh Hồng được điều động sang làm việc tại Bệnh viện Dã chiến số 1, trực tiếp chăm sóc, theo dõi và điều trị bệnh nhân Covid -19.

Bác sĩ Ánh Hồng cho biết: Dịch bệnh phức tạp nên các bác sĩ chúng tôi vất vả và chịu nhiều nguy hiểm hơn, nhưng cũng là một cơ hội lớn để rèn luyện, nghiên cứu, nâng cao năng lực chuyên môn. Nhiệm vụ trước mắt của chúng tôi là chống dịch, luôn luôn nỗ lực và không ngừng học hỏi vì ngành y là ngành luôn luôn đổi mới. Là một bác sĩ trẻ nhất Khoa, nên con đường học tập của tôi còn rất dài.

Trong giới văn nghệ sĩ của Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung, có lẽ không ai không biết đến chị Niê Thanh Mai, nữ nhà văn dân tộc Ê đê bắt đầu giữ cương vị quản lý văn học nghệ thuật năm 27 tuổi. Sau đó, từ một cô giáo, chị chuyển sang công tác tại Sở Giáo dục và Đào tạo, đến nay, chị đang là Phó chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk.

Hiện Niê Thanh Mai là tác giả trẻ đầy hứa hẹn của Tây Nguyên khi liên tiếp giành được các giải thưởng văn học uy tín.  Sau một số tác phẩm như “Suối của rừng”, “Về bên kia núi”, “Ngày mai sáng rỡ”, mới đây, chị vừa ra mắt tập truyện ngắn “Phía nào sương thôi rơi”, mang đến những điều thú vị và hấp dẫn từ vùng đất Tây Nguyên. 

Không chỉ là một nhà văn với bút lực dồi dào và giàu cảm xúc, Niê Thanh Mai còn là một cán bộ quản lý nhiệt huyết, có năng lực, được bà con các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và anh chị em văn nghệ sĩ yêu quý. Ngoài tình yêu với văn chương, với chị, đó còn là cả quá trình nỗ lực, phấn đấu không ngừng của bản thân.

Nhà văn Niê Thanh Mai chia sẻ: Tôi là người không có tài năng. Bắt đầu viết từ thời thiếu nhi thì tôi là người viết ở Top thứ 5, thứ 6 trong nhóm bạn rất giỏi giang của tôi thời bấy giờ. Sự nỗ lực của tôi rất là nhiều. Bình thường, người ta viết một tác phẩm có thể đăng ngay thì tôi phải viết 10 tác phẩm mới được đăng, tôi phải sửa rất nhiều.  Ngày hôm nay khi nhìn lại tác phẩm của ngày hôm trước tôi thấy còn phải học hỏi rất nhiều. Mỗi ngày tôi thấy mình đều chưa hoàn thiện và mình thấy một điều rằng càng viết mình càng thấy mình còn phải học rất nhiều, bên cạnh đó mình phải đọc, đọc rất nhiều.

Nhà văn Niê Thanh Mai (ôm hoa) trong chương trình ra mắt sách mới

Là Phó Giáo sư, Tiến sĩ người dân tộc thiểu số đầu tiên ở Tây Nguyên, bà Tuyết Nhung B’Krông, Trưởng Bộ môn Ngữ văn, khoa Sư phạm, Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Tây Nguyên đã trở thành niềm tự hào của buôn làng và bao thế hệ học trò của trường Đại học Tây Nguyên. 

Từ năm 2007 đến nay, bà cùng chồng-tiến sĩ Công nghệ thông tin Văn Ngọc Sáng và cộng sự, đã thực hiện thành công việc số hóa điện tử các từ điển Việt - Jrai, Jrai - Việt; Việt - Stiêng, Stiêng - Việt; M’nông- Việt, Việt - M’nông; Chăm - Việt, Việt - Chăm, làm chủ nhiệm đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu lễ hội dân gian Êđê”, “Dân ca Êđê”, viết giáo trình dạy tiếng Êđê, giáo trình dạy tiếng Chăm trực tuyến; tham gia làm đề tài cấp Nhà nước về “Vai trò của nhóm nguồn nhân lực cao đối với tiến trình phát triển kinh tế- xã hội đặc thù vùng Tây Nguyên”, được mời tham gia nhiều đề tài về văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết của người Êđê, M’Nông, Jrai, Bahnar...

Nhiều công trình khoa học có công sức của tiến sĩ Tuyết Nhung được in thành sách và công bố  như cuốn “Văn hóa mẫu hệ qua sử thi Êđê” ; “Văn hóa ẩm thực Êđê”; “Sử thi Y’Khing Jú- H’Bia Ju Yâo” v...v... 

Không chỉ có nhiều đóng góp về mặt văn hóa - nghiên cứu khoa học, PGS.TS Tuyết Nhung B’Krông còn là một tấm gương vượt khó, bởi bà sinh ra ở vùng nông thôn của Đăk Lăk, nhà có tới 12 anh chị em, thiếu thốn cả về kinh tế và điều kiện học tập. Trong thực tế giảng dạy, bà không chỉ truyền tải những giá trị văn hóa của dân tộc đến với công chúng, mà còn khích lệ sự tự tin vươn tới, nhất là của các nữ sinh viên dân tộc thiểu số.

PGS.TS Tuyết Nhung Buôn Krông chia sẻ: Đứng trên bục giảng, điều quan tâm nhất của tôi là làm sao tạo được sự lan tỏa với các bạn trẻ, ngoài việc xóa tan đi sự mặc cảm của một số em chưa dám nói về mình, chưa dám thể hiện về văn hóa của mình. Nếu chúng ta có bằng cấp, có kiến thức thì sự phát huy của chúng ta tốt hơn, chính vì thế tôi luôn phấn đấu, không chỉ cho bản thân tôi mà cho tất cả các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Tôi nghĩ tôi đã làm được, thì các em trẻ hơn tôi chắc chắn cũng làm được và làm tốt hơn tôi.

Vượt qua nghịch cảnh, gỡ bỏ định kiến xã hội, nỗ lực vươn lên với khát khao khẳng định bản thân, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số ở Đăk Lăk, ngày càng tự tin, khẳng định vị thế của mình trong xã hội. Những đổi thay, những thành tựu đã đạt được tạo ra dấu ấn mạnh mẽ cho phụ nữ dân tộc thiểu số tại Đắk Lắk, ngày càng nhiều cơ hội mới đang mở ra cho sự phát triển của họ trên mọi lĩnh vực./.

VOV Tây Nguyên

Thu Ha bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC