Những nông dân triệu phú nơi vùng biên Sốp Cộp
Thứ năm, 00:00, 04/05/2017

VOV4.VN - Với địa hình đặc thù là đồi núi, đất dốc, nhiều hộ nông dân của huyện biên giới Sốp Cộp đã sáng tạo trồng trọt, chăn nuôi theo mô hình kinh tế tổng hợp. Họ thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

 

Gia đình ông Quàng Văn Chăn, ở bản Mường Lạn, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La, sản xuất nông-lâm kết hợp. Năm 2010, ông nhận trồng 30ha rừng sản xuất và chăm sóc, bảo vệ 200 ha rừng tái sinh. Sau 5 năm, khu rừng đã phát triển tốt, với đường kính thân cây từ 20 – 30cm. Đến năm 2016, gia đình ông thu được hơn 400 triệu. “Lấy ngắn nuôi dài”, ông kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm, thả cá… Gia đình ông duy trì đàn bò từ 20 – 25 con, mỗi năm bán ra từ 5 – 7 con bò và khoảng 1 tấn cá, thu nhập hàng trăm triệu.

 

Ông Quàng Văn Chăn cho biết: "Trồng rừng thông thì tôi cũng ước ao, một là để giữ lại môi trường sinh thái cho đất nước mình và cho riêng bản Mường Lạn, hai là  thu nhập cho gia đình".

 

 

Mô hình trồng rừng đem lại thu nhập ổn định ở vùng cao Tây Bắc. Ảnh: baomoi.com

 

Gia đình ông Vì Văn Lánh, ở bản Púng Tòng, xã Nậm Lạnh, thành công với việc trồng cây ăn quả. Trên 1,5 ha đất đồi, từ năm 2013, ông trồng gần 1.000 cây cam, quýt; năm nay cho thu hoạch gần 3 tấn, giá bán tại vườn theo loại từ 15.000-35.000 đồng/kg; thu trên 70 triệu đồng một năm. Gia đình ông nuôi 9 con trâu, bò; có 2.000 m2 ao thả cá. Tổng thu nhập của gia đình ông trong 1 năm  khoảng 200 triệu đồng.

 

Sốp Cộp có 1.183 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Những năm gần đây, đa phần các hội viên Hội nông dân huyện đã tích cực đẩy mạnh sản xuất theo hướng chuyên canh tập trung, liên kết sản xuất tạo chuỗi giá trị sản phẩm, mạnh dạn áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất mang hiệu qua kinh tế cao.

 

Ông Lê Tiến Lợi, Phó chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp, cho biết: "Để nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, UBND huyện tiếp tục tạo điều kiện và bảo đảm liên kết “bốn nhà”. Trong đó, đặc biệt chú trọng lựa chọn, định hướng các mô hình phù hợp với điều kiện sản xuất, tiềm năng lợi thế của địa phương; vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất; phát triển các ngành nghề, giải quyết việc làm; tham gia các hình thức hợp tác sản xuất phát triển kinh tế hộ gia đình; hỗ trợ vay vốn, cung ứng vật tư,tiêu thụ sản phẩm".

 

 

 

Việt Anh/VOV-Tây Bắc

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC