Những tiến sĩ của buôn làng Đắc Lắc
Thứ ba, 00:00, 29/08/2017
VOV4.VN - Nhiều người con của các buôn làng Tây Nguyên đã trở thành tiến sĩ, thạc sĩ, mang tri thức khoa học đóng góp hiệu quả cho sự phát triển kinh tế - văn hóa - bảo vệ môi trường... của địa phương.

Trưởng Bộ môn Ngữ Văn, khoa Sư phạm, đồng thời là Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn trường ĐH Tây Nguyên, Tiến sĩ Buôn Krông Tuyết Nhung, dân tộc Ê đê, đắm chìm trong các đề tài về văn hóa dân tộc.

Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa Ê Đê, biên soạn sách tiếng Ê Đê và tiếng Stiêng cho học sinh tiểu học, nhưng TS. Buôn Krông Tuyết Nhung chưa hài lòng. Sau những giờ lên lớp cùng sinh viên, bà tất bật với các chuyến đi cơ sở, hoặc cùng chồng là Tiến sĩ Văn Ngọc Sáng, nghiên cứu đề tài Số hóa điện tử một số từ điển tiếng dân tộc thiểu số.

Tiến sĩ Buôn Krông Tuyết Nhung nói: "Tôi luôn day dứt, trăn trở làm thế nào để thế hệ trẻ và thế hệ mai sau hiểu rằng, mỗi một dân tộc, con người là quan trọng nhất, bản sắc văn hóa là quan trọng nhất. Chính vì thế, tôi cố gắng tìm hiểu những gì cho dù là nhỏ nhất, dù là phong tục nhỏ nhất nhưng có giá trị, phù hợp với thời đại chúng ta đang sống, thì tôi cố gắng gửi thông điệp trên báo đài, trong tạp chí và đặc biệt thông qua những bài giảng của tôi trên lớp".

Tiến sĩ Buôn Krông Tuyết Nhung cũng là đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh Đắc Lắc

Là một trong số ít tiến sĩ thế hệ đầu tiên trong lĩnh vực nông nghiệp ở Tây Nguyên, Tiến sĩ Y Ghi Niê, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Đắc Lắc khát khao được mang vốn kiến thức mà mình có được để giúp ích cho đồng bào.

Trải qua nhiều vị trí công tác như: Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Đắc Lắc, ông đóng góp tích cực vào việc xây dựng thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, tham gia soạn phần mềm Taynguyenkey - phần mềm gõ chữ dân tộc thiểu số Tây Nguyên trên máy vi tính.

Nhờ có phần mềm này, việc phổ biến kiến thức cho đồng bào dân tộc thiểu số được dễ dàng và thuận tiện hơn. Trải qua hơn 40 năm công tác, ở vào cái tuổi 60, dù sắp nghỉ hưu nhưng ông vẫn miệt mài nghiên cứu và cống hiến.

Tiến sĩ Y Ka Nin

Cũng được đào tạo chuyên môn về nông nghiệp, Tiến sĩ Y Ka Nin HĐơk, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắc Lắc đã tích cực vận dụng những kiến thức được học vào thực tế đời sống buôn làng. Là hội viên Hội Bảo vệ Tài nguyên thiên nhiên và Môi trường, ông đến các buôn làng, khảo sát thực tế, tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường, nhất là bảo vệ rừng và nguồn nước.

Ông cũng làm chủ nhiệm và tham gia nhiều đề tài nghiên cứu, tham mưu cho lãnh đạo tỉnh các dự án bảo tồn đa dạng sinh học, đánh giá thực trạng ô nhiễm kim loại nặng trên sống Sêrêpôk,… góp phần tích cực vào công tác quản lý, giám sát và bảo vệ môi trường ở địa phương.

Theo Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Đắc Lắc, toàn tỉnh hiện có 13 tiến sĩ,  gần 60 thạc sĩ người dân tộc thiểu số địa phương. Ở mỗi vị trí công tác của mình, họ nỗ lực cống hiến, đóng góp sức mình vào sự phát triển của tỉnh và cả khu vực Tây Nguyên. .

 

 

H'Xíu/VOV-Tây Nguyên

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC