Từ ngày 11/7/2022 trái sầu riêng của nước ta chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Đây là bước ngoặt, mở đường cho loại trái cây này, khắc phục được đầu ra bấp bênh mà trước đây nhà vườn hay gặp phải.
Tại tỉnh Tiền Giang, trái sầu riêng khi xuất sang Trung Quốc rất hút hàng; giá từ 40-50 nghìn đồng/kg tăng lên đến 80 nghìn đồng/kg; thậm chí giống MonThong có thời điểm tới 92 nghìn đồng/kg. Với mức giá này, nhà vườn trồng hơn 17.000 ha sầu riêng của tỉnh Tiền Giang rất phấn khởi, sau khi thu hoạch vụ sầu riêng vừa qua có nguồn nhập gần một tỉ đồng/ha.
Phía Trung Quốc “ăn hàng” thị trường mua bán trái sầu riêng rất sôi động, nhà kho, nhà vựa thu mua trái sầu riêng mọc lên rất nhiều; thương lái tìm đến từng vườn cây để thu mua. Tại xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang- địa phương có hơn 1500 ha sầu riêng, với đầu ra thuận lợi như hiện nay, nông dân địa phương rất khấn khởi
Ông Đặng Văn Lâm, chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Tam Bình cho biết, Nói chung trái sầu riêng năm 2022 này giá cao hơn các năm trước. Bình quân giá từ 60 nghìn đồng/kg đến hơn 80 nghìn đồng/kg. Nông dân hiện đang tập trung chăm sóc vườn cây cho tốt để khí xử lý cho trái nhiều. Ở xã Tam Bình cũng như các xã trong khu vực xử lý rải vụ nên cho trái quanh năm.
Tại 2 tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang trái vú sữa tím đã xuất khẩu qua Mỹ rất hút hàng và sản lượng xuất khẩu ngày càng tăng. Nhà vườn trồng vú sữa tím xuất sang Mỹ bán giá cao gấp 2 lần so với tiêu thụ nội địa nên diện tích càng được nhân rộng.
Mới đây, lần đầu tiên Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (huyện Chợ Lách) và Hợp tác xã Bưởi da xanh Bến Tre đưa lô bưởi da xanh 40 tấn xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Trong đó có 2 tấn bưởi da xanh được vận chuyển bằng máy bay đã sớm được người tiêu dùng chấp nhận.
Theo Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (doanh nghiệp đưa trái cây đi xuất khẩu) giá bán lẻ tại các siêu thị, cửa hàng trái cây của Mỹ ở mức 15-22 USD/kg, tương đương 375.000 - 535.000 đồng/kg. Như vậy, mỗi trái bưởi da xanh (1,2 - 1,8kg) sẽ có giá thấp nhất 450.000 đồng và cao nhất 963.000 đồng, tăng hàng chục lần so với tiêu thụ nội địa.
Tuy là lô hàng “thí điểm” nhưng đã mở ra hướng đi đầy triển vọng khi trái bưởi từ nay sẽ bơi ra “biển lớn”- một thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng. Để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Hoa Kỳ, nhà vườn phải sản xuất ra trái bưởi đạt chuẩn như: xây dựng mã số vùng trồng, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP, không có dư lượng thuốc trừ sâu, phân bón, nấm bệnh, mẫu mã đẹp, đồng đều. Về trọng lượng, các nhà xuất khẩu chỉ lựa chọn trái bưởi từ 1-1,8 kg và không bị sẹo, tỳ vết bên ngoài, ong đốt….Do đó, tỷ lệ bưởi của nhà vườn đạt chuẩn xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ chỉ đạt dưới 20%.
Hiện tại, Bến Tre có diện tích bưởi da xanh gần 10.000 ha, sản lượng hàng năm đạt gần 200 nghìn tấn trái. Thời gian qua, đầu ra trái bưởi da xanh bấp bênh, có thời điểm giá giảm còn 10 nghìn đồng/kg. Do đó, việc xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Hòa Kỳ sẽ nâng cao giá trị trái bưởi, đây là hướng phấn đấu của nhà vườn địa phương.
Ông Võ Thanh Quảng, nhà vườn xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre chia sẻ, gia đình ông vừa cung ứng vài trăm kg bưởi da xanh cho HTX bưởi da xanh Bến Tre để chọn xuất đi Mỹ. Nhờ xuất khẩu, bà con bán mới có giá. Ai cũng phấn khởi, mừng lắm ước mong bưởi có giá, còn bán nội địa giá thấp lắm. Về kỹ thuật cũng không khó lắm, bên HTX hướng dẫn thì mình làm theo tiêu chuẩn đó, sử dụng phân hữu cơ, đặc biệt nuôi kiến vàng nữa. Vườn bưởi của tôi không có xịt thuốc gì nhiều, các chuyên gia đem máy móc đến kiểm nghiệm đều đạt tiêu chuẩn. Nông dân mình bây giờ phải thay đổi, phải cố gắng làm sao cho đạt đi xuất khẩu.
Gần đây, khoai lang Vĩnh Long và tổ yến là sản phẩm nông sản thứ 12, 13 của nước ta được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc sau 11 loại quả gồm: Thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải và sầu riêng. Đây cũng là tín hiệu vui cho nông dân khi các sản phẩm này tiếp tục được “bay xa”.
Hiện nay, so với nhiều khu vực trong cả nước thì nông sản vùng ĐBSCL đứng ở thứ hạng cao về sản lượng và đa dạng chủng loại. Đáng lưu ý là diện tích cây ăn trái của toàn vùng hơn 300 nghìn ha; trong đó có 120 nghìn ha cây ăn trái đặc sản có giá trị xuất khẩu như: sầu riêng, mít, xoài, vú sữa, bưởi da xanh.
Song, để nông, thủy sản vùng ĐBSCL xuất được sang các thị trường lớn trên thế giới phải đạt các điều kiện cần và đủ từ chất lượng hàng hóa, quy trình sản xuất, bảo quản sau thu hoạch, sơ chế và các thủ tục pháp lý kèm theo. Đây là vấn đề mà người nông dân, doanh nghiệp cùng các ngành chức năng đang cộng đồng trách nhiệm để đáp ứng theo nhu cầu của đối tác nước ngoài./.
Bài 2: Làm gì để nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản ĐBSCL xuất khẩu bền vững?
Viết bình luận