Nông thôn mới ở Yên Nguyên
Thứ hai, 00:00, 03/10/2016 Phú - CT Phú - CT

(VOV4) - Yên Nguyên là một xã miền núi của huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Sau 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, điện đã sáng khắp thôn bản, đường nông thôn được bê tông hóa, nhà văn hóa được xây mới khang trang.


 

Có đường, làm gì cũng thuận

 

Phấn khởi. Anh Hoàng Viết Xuân, người Tày, ở  thôn Hợp Long 2, nói thế. Khuôn mặt rám nắng, người đẫm mồ hôi, tay dính toàn bột cám, anh hồ hởi khoe về lứa cá sắp thu. Lứa cá chiên này khỏe, mỗi con hơn 2kg, nuôi dễ mà lãi cũng cao. Thương lái vào tận nhà mua, anh đỡ mất công đi lại. Trước kia, đường toàn sỏi đá, mang ra đến trung tâm huyện thì cá chết. Từ khi có con đường, tiện lợi hẳn.

 

Anh Xuân bắt đầu nuôi thả cá chiên ở lòng hồ đúng dịp xã triển khai xây dựng nông thôn mới. Sau một năm, anh đã thu về hàng trăm triệu đồng: "Cá chiên là nguồn thu nhập chính trong gia đình. Chúng tôi thấy từ lúc nuôi cá chiên mới phát triển lên rõ rệt. Trước đây, chúng tôi trồng sắn, trồng ngô, lúa ruộng, ai mà chịu khó làm, kỹ thuật tốt thì cũng chỉ đủ ăn thôi chứ không dư dật tý nào. Bây giờ nuôi trồng thủy sản, thu nhập tăng hơn so với lúa ngô là rõ rệt rồi. Qua "cái" nông thôn mới, xã, huyện giúp đỡ, chúng tôi nâng cao đời sống".

 

 

Nuôi cá chiên trong lòng hồ


Anh Xuân tính sẽ mở rộng, nuôi thêm nhiều lồng cá nữa: "Nhà có 3 lồng, đầu tư khoảng 60 triệu, nếu thu hoạch bình thường thì trong một năm được khoảng 120-140 triệu, nếu để hai năm còn được hơn, bán buôn cho các nhà hàng. Họ đến tận đây thu mua. Chúng tôi rất mong muốn chính quyền hỗ trợ về đồng vốn, cả về kỹ thuật và con giống nữa".

 

Khi hệ thống giao thông nông thôn ở Yên Nguyên được xây dựng, nhiều gia đình đã được hưởng lợi. Việc giao thương hàng hóa đơn giản hơn. Thương lái vào tận nhà thu mua. Đối với nhà ông Nguyễn Duy Khấn, ở thôn Hợp Long 2, có đường bê tông, cây ớt đã có được đầu ra ổn định:


"Khi xã đạt chuẩn nông thôn mới, chúng tôi rất là phấn khởi nhìn thấy bộ mặt của xã mình có nhiều đổi mới. Đặc biệt, các chương trình giao thông công cộng, hạ tầng nông thôn được đổi mới rất nhiều và nhân dân được hưởng lợi. Đường ngõ xóm thì đều được mở mang rộng, xe mua bán vận chuyện tận nhà". 1000m2 ớt của gia đình ông thu được gần 3 tấn quả, trị giá chừng 100 triệu đồng.

 

Hơn 5 năm qua, với tổng kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất hơn 7,9 tỷ đồng, xã đã triển khai thực hiện dự án hỗ trợ trồng lúa, trồng ớt, mở rộng diện tích trồng mía, chăn nuôi theo kế hoạch. Thu nhập bình quân của dân trong xã đạt gần  22 triệu đồng/ người/ năm.

 

 

Nhà văn hóa xã Yên Nguyên

 

Dân thông suốt thì khó mấy cũng thực hiện được

 

Cổng thông tin điện tử huyện Chiêm Hóa dẫn số liệu thống kê của Hội nông dân xã Yên Nguyên, cho biết:  toàn xã có trên 300 hầm biogas, 186 hộ hội viên nông dân đăng ký lắp đặt hầm bioga theo chương trình. Từ nay đến cuối năm, Hội nông dân xã phấn đấu tạo điều kiện cho 25 hộ được lắp đặt hầm bioga.

 

Việc xây dựng hầm biogas sẽ giải quyết khá cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải gia súc, gia cầm. Hội nông dân xã Yên Nguyên đã phối hợp với Ngân hàng chính sách, Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn, cho hội viên được vay 18 triệu đồng/hộ với lãi suất ưu đãi, đồng thời hỗ trợ mỗi hộ tham gia dự án 1,2 triệu đồng. Nhờ đó việc làm hầm biogas được người dân đồng tình thực hiện.

 

Ông Trần Hữu Dương, Bí thư Đảng ủy xã Yên Nguyên, cho rằng, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, một số tiêu chí tuy khó nhưng sẽ sớm giải quyết được, nếu có sự thống nhất với bà con. Bà con cùng bàn bạc, cùng chia sẻ và cùng vào cuộc trên tinh thần tự nguyện.

 

 

Việt Phú/VOV4

 

Phú - CT

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC