(VOV4) - Chia sẻ câu chuyện của mình, nữ thạc sỹ đầu tiên người Vân Kiều trên mảnh đất Quảng Trị khẳng định nếu không học hành, nếu không có nghị lực, thì khó có thể thành công: "Dù xuất phát điểm ở đâu, dù là người dân tộc nào, chỉ có con đường cố gắng, nỗ lực phấn đấu mới có thể đạt được kết quả như mong muốn".
Đại biểu Quốc hội khóa 14 Hồ Thị Minh quê xã Ba Nang, huyện Đakrong, tỉnh Quảng Trị. Hồ Thị Minh là nữ thạc sỹ đầu tiên người Vân Kiều ở Quảng Trị, tốt nghiệp ĐH Ngữ văn, học vị thạc sỹ giáo dục, chuyên ngành phương pháp giảng dạy Văn - Tiếng việt. Hiện tại, chị đảm nhiệm chức vụ Thường vụ Huyện ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy, kiêm Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Ít ai biết, đằng sau thành công đáng nể đó là cả một quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ của người phụ nữ này, trong những năm mà sự học còn là "xa xỉ" với đồng bào dân tộc Vân Kiều.
Bố chị Minh đi bộ đội, bị thương, rồi trở về xã vùng sâu Ba Nang lấy vợ, và sinh Hồ Thị Minh vào năm 1976. Đời sống của người dân tộc Vân Kiều những tháng năm này khổ cực trăm bề, nhưng bố mẹ vẫn nuôi 3 chị em Minh học hành.
Hồ Thị Minh - nữ thạc sỹ đầu tiên người Vân Kiều ở Quảng Trị. Ảnh:baomoi.com
Học hết cấp 2, Minh theo học ở trường Dân tộc nội trú tỉnh Quảng Trị, rồi thi đỗ vào trường ĐH Sư phạm Huế. Bước ngoặt lớn này giúp chị càng quyết tâm theo đuổi con đường học vấn, dù ngày ấy chẳng ai ủng hộ việc phụ nữ Vân Kiều học lên cao làm gì. Tốt nghiệp năm 1998, chị về dạy ở trường THCS thị trấn Khe Sanh. Rồi Sở GD-ĐT có chỉ tiêu tuyển giáo viên thi đầu vào làm thạc sỹ. Chị nộp hồ sơ. Và chị lại có mặt ở giảng đường Đại học Huế.
Những năm tháng theo học thạc sỹ là thời gian chị phải vượt qua không ít khó khăn, thách thức. Chỉ vỏn vẹn đồng lương 550 ngàn, chị vừa thuê nhà, vừa lo tiền ăn, tiền học, tiền tài liệu... Thêm nữa, bố mất đúng thời gian viết luận văn, mẹ thì đau ốm liên miên, tưởng chừng ngã quỵ, nhưng chị vẫn bảo vệ luận văn thạc sỹ thành công với điểm 9,5. Rồi phấn đấu vào Đảng, học thêm lớp chính trị, đúng như mơ ước chị từng viết ra cho đời mình:
"Mình tự học thôi chứ chẳng ai bao cấp cho hết, quá trình học mình đều phấn đấu có học bổng. Bản thân thấy mình cần nỗ lực phấn đấu hơn nữa bởi sự học là mãi mãi, nhiệm vụ chuyên môn ở địa bàn phải là trọng tâm, nơi mình đảm nhiệm công tác tuyên truyền cho bà con. Khi nhận thức được nâng lên thì đời sống bà con mới được cải thiện, áp dụng KHKT vào đời sống của mình".
Giờ thì chị đã chuyển hẳn sang công tác chính trị, nhưng vẫn tham gia dự án bảo tồn tiếng Bru-Vân Kiều của Đài PT-TH tỉnh Quảng Trị, rồi đưa các lớp con em Vân Kiều lên tận nhà mình trọ học, bồi dưỡng kiến thức.
Chia sẻ câu chuyện của mình, nữ thạc sỹ đầu tiên người Vân Kiều trên mảnh đất Quảng Trị khẳng định nếu không học hành, nếu không có nghị lực, thì khó có thể thành công: "Dù xuất phát điểm ở đâu, dù là người dân tộc nào, chỉ có con đường cố gắng, nỗ lực phấn đấu mới có thể đạt được kết quả như mong muốn".
Thu Hòa/VOV4
Viết bình luận