Sắc xuân trên sóc Bom Bo
Thứ sáu, 00:00, 13/01/2017

(VOV) - Sóc Bom bo, nay là thôn Bom bo, là một địa danh quen thuộc trong ca khúc nổi tiếng “Tiếng chày trên sóc Bom bo”. Người S'tiêng năm xưa giỏi giã gạo nuôi quân, nay giỏi trồng cà phê, trồng điều. Sóc Bom Bo nay sắp thành khu du lịch.

 

Bom bo nghèo xưa đã khấm khá, sung túc hơn với nhà ngói, nhà gỗ khang trang. Về đây hôm nay, ít được nghe tiếng chày đôi thậm thịch giã gạo của bà con S’tiêng như thuở xưa mà vang tiếng máy xay, máy xát, tiếng động cơ rộn ràng cả buôn, sóc. Nghe đâu đây hơi thở nồng ấm của mùa xuân đang phả khắp vùng đất Bom bo.

 

Già làng Điểu Lên

 

Ở hiên cửa  ngôi nhà có sân rộng phơi đầy hạt điều, hạt cà phê, già làng Điểu Lên thư thả uống trà, phì phà nhả khói thuốc rê quen thuộc. Ông vốn là một cán bộ cách mạng từng trải, là một "lão nông tri điền" dày dạn kinh nghiệm của buôn làng. Già làng đang vui cái bụng, vì trong năm gia đình ông thu nhập được hơn hai  trăm triệu đồng từ lúa, điều, cà phê. Cả 9 đứa con của ông đứa nào cũng có đất sản xuất, nhà riêng, vài con trâu con bò, chưa kể hoa màu và đàn gà, đàn vịt.

 

Già làng nói, mắt ông ánh lên niềm vui: "Phải nói đời sống bà con đồng bào S’tiêng bây giờ thay đổi nhiều. Bà con không phá rừng làm nương nữa mà chí thú trồng điều, cà phê và một ít cao su. Ngày xưa du canh, du cư, chỗ này ở vài năm, chỗ kia vài năm, bấp bênh lắm”.

 

Năm nay, không chỉ hạt điều mà cả cà phê cũng được giá. Hạt điều khoảng 32.000đ/kg, cà phê cũng nhích lên 42.000đ/kg, bán ngay tại vườn cho thương lái.

 

Anh Điểu Mon đang thu hoạch điều

 

Điểu Mon, một thanh niên S’tiêng, ở tổ 2, thôn Bom bo, đã nhiều năm chăm sóc hơn 6 ha trồng cây điều của gia đình. Anh trồng xen canh cà phê dưới tán điều, rau màu, chăn nuôi trâu, bò, gà vịt.  Trung bình mỗi năm anh tích cóp được gần 200  triệu đồng.

 

Do địa hình đồi núi xen kẽ sông suối với diện tích cây trồng hơn 500 ha, bà con Bom bo đẩy mạnh  sản xuất theo mô hình kết hợp vườn-ao-chuồng, xen canh, tăng vụ, đầu tư cây-con có giá trị kinh tế cao. Mô hình này phù hợp, tạo nguồn thu nhập ổn định cho bà con. Năm tới, xã phấn đấu thu nhập bình quân 22 triệu đồng/ người, 90% số hộ được sử dụng điện và nước sạch; mở rộng diện tích gieo trồng; đẩy mạnh việc xây dựng nông thôn mới.

 

Hội thi ngày tết

 

Tết này, bà con Bom bo (xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước), nhà nào cũng nhộn nhịp mua sắm, bày biện; chuẩn bị các ché rượu cần, các dàn cồng chiêng để ăn mừng vụ lúa cuối năm, mừng  Tết; đồng thời, ăn mừng  công trình Khu bảo tồn Văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom bo đã hoàn thành giai đoạn 1, qui mô gần 39 ha với vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng. Công trình được xây dựng ngay chính trung tâm thôn Bom bo, nơi xưa kia chính là sóc Bom bo nổi tiếng giã gạo nuôi quân giải phóng đánh giặc.

 

Hiện nay, Khu bảo tồn đã xây dựng được Đội văn nghệ và chương trình nghệ thuật  bao gồm các tiết mục cồng chiêng, múa hát đậm chất dân gian của người S’tiêng. Anh Nguyễn Ngọc Lương, Giám đốc Khu bảo tồn Văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom bo, cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ đưa các hộ gia đình trẻ lên để tiếp nhận các căn nhà xây dựng trong khu bảo tồn, thành lập các làng văn hóa S’tiêng. Chúng tôi vừa tổ chức cho các em ăn ở, sinh hoạt  trong khu bảo tồn, vừa thông qua các em kéo khách du lịch tham quan và đến lưu trú trong các ngôi nhà của các em trong khu bảo tồn”.

 

Chúng tôi theo con đường Xuân Hồng - con đường mang tên cố nhạc sĩ sáng tác ca khúc nổi tiếng “Tiếng chày trên sóc Bombo” - vừa trải nhựa, lên thăm các hạng mục của Khu bảo tồn Văn hóa dân tộc S’tiêng đang hoàn thiện. Đâu đó vang lên khúc hát quen thuộc “Tiếng nói ríu ra, lời ca trong vắt,  nhìn trong đôi mắt đều thấy mỗi người, một nụ cười tin chắc tương lai".

 

 


Hồng Hải/VOV-TP.HCM

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC