Thạc sỹ trẻ của người Mông Mản Thẩn
Thứ năm, 00:00, 08/09/2016

(VOV) - Giàng Seo Châu ở xã Mản Thẩn, huyện Si Ma Cai, Lào Cai, là một trong 600 trí thức trẻ tăng cường về làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã. Anh đã có nhiều đóng góp đưa người dân ở đây thoát nghèo.

 

6 anh chị em, bố mẹ đều không biết chữ, năm 10 tuổi, cậu bé Giàng Seo Châu mới được đến trường. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, cậu học trò người Mông nhận được cùng lúc hai giấy báo trúng tuyển vào Đại học Nông nghiệp 1 (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) và Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Châu quyết định nhập học tại trường Đại học Nông nghiệp 1.

 

Không có nhiều tiền, cậu sinh viên năm thứ nhất  dành phần lớn thời gian đi làm thuê ở các trại cây giống và quán cơm sinh viên để kiếm tiền ăn học. Giàng Seo Châu quyết tâm học để mau chóng thành đạt, trở về xây dựng quê hương. Năm 2012, sau khi tốt nghiệp đại học, lúc đó Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo (nay là 64 huyện nghèo) trên cả nước được triển khai, Châu xin tham gia dự án và được chấp nhận.

 

 

 Giàng Seo Châu giao lưu với Thanh niên tại chương trình đối thoại với chủ đề “Thanh niên Việt Nam: Đối tác then chốt góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững” 

 

Anh Giàng Seo Châu nhớ lại: “Khi tôi tốt nghiệp cấp 3, tôi đã thi đỗ vào hai trường Đại học nhưng bố tôi không cho tôi đi học. Ông nói với tôi rằng: tao chỉ thấy người ta thồ ngô, thồ thóc ra chợ bán có tiền, chứ tao chưa thấy ai đi học mà có tiền. Đây là một trong những quan niệm lạc hậu của cộng đồng dân tộc Mông ở vùng cao. Chính điều này đã cản trở nhiều bạn thanh niên dân tộc Mông không được đến trường, nghỉ học sớm, phải lấy vợ lấy chồng sớm để giúp bố mẹ làm nương. Nhưng vượt qua tất cả, tôi cố gắng đi học đại học”.

 

Với mong muốn nâng cao trình độ, kiến thức, Phó Chủ tịch UBND xã Giàng Seo Châu tiếp tục học cao học. Thời điểm đó, việc đi lại trên tuyến đường Lào Cai - Hà Nội vẫn chưa thuận tiện như bây giờ. Mỗi chiều thứ sáu, bà con trong xã lại thấy anh cán bộ trẻ thu xếp đồ đạc, bắt xe lên thành phố Lào Cai, rồi từ đó lại lên tàu đi học ở Hà Nội. Chi phí cho việc đi học được anh khéo léo dành dụm từ các khoản lương, trợ cấp không lấy gì làm nhiều.

 

Giàng Seo Châu cho biết: “Ngoài ước mơ giúp đỡ bà con trong làng thoát cảnh bữa cơm bữa sắn, tôi luôn muốn chứng minh với bố và người dân trong làng quan niệm "đi học là mất chứ không được tiền" hoàn toàn sai lầm".

 

Giàng Seo Châu là người đầu tiên đưa cây tam thất về bản, rồi mô hình trồng rau bắp cải tại Mản Thẩn, rồi mô hình nuôi giống lợn đen bản địa ở Si Ma Cai. Anh tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương làm 18km đường giao thông nông thôn. Hiện người dân trong xã đã kiến nghị, đề xuất mở các tuyến đường bê tông ra nương rẫy, đường liên gia để thuận tiện cho việc đi lại.

 

Nhận xét về cán bộ trẻ, tiêu biểu tại địa phương, Bí thư Tỉnh Đoàn Lào Cai Giàng Quốc Hưng cho biết: “Không phải tất cả bạn trong Dự án 600 Trí thức trẻ đều trưởng thành được như Châu. Đến khi Dự án hoàn thành thì Châu được cán bộ tin tưởng, nhân dân tín nhiệm tin yêu, Đảng bộ chính quyền của xã bầu giữ chức danh quan trọng như Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã. Đó là những điều khẳng định những nỗ lực của Châu trong hoc tập, nâng cao trình độ, tích lũy kinh nghiệm để xây dựng quê hương Simacai ngày càng phát triển".


Hiện tại, Chủ tịch UBND xã Mản Thẩn Giàng Seo Châu tích cực động viên, tạo điều kiện để con em trong xã được đi học đầy đủ. Đầu năm học, anh tới dự lễ khai giảng ở các trường trên địa bàn xã, khuyên nhủ các em nhỏ cố gắng chăm học, để mai này tiếp tục đưa Mản Thẩn phát triển trù phú, ấm no hơn.

 

 


Nguyễn Hiền/VOV-Trung tâm Tin

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC