Thái Nguyên: Mỗi xã một sản phẩm gắn với phát triển du lịch
Thứ năm, 12:00, 24/11/2022 Mạnh Phương/VOV1 Mạnh Phương/VOV1
VOV4.VOV.VN - Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới gắn với Đề án mỗi xã một sản phẩm được lồng ghép để phát triển du lịch đang là hướng đi đúng của tỉnh Thái Nguyên.

Là một tỉnh trung tâm khu vực phía Bắc, tiếp giáp với thành phố Hà Nội, có nhiều địa danh nổi tiếng như hồ Núi Cốc, An toàn khu.., giờ đây du khách đến Thái Nguyên sẽ được thưởng thức những đặc sản đặc trưng và độc đáo, gắn với tiêu chuẩn OCOP.

Nói đến ẩm thực ở huyện Phú Lương, không thể không nhắc đến bánh trưng Bờ Đậu. Thế nhưng nhiều người có thể chưa biết các loại bánh đặc trưng khác của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây, cũng được làm từ gạo nếp đặc trưng ở huyện Phú Lương, như bánh ngải, bánh chim, bánh bột lọc….

Cứ vào dịp Tết, Rằm Tháng giêng, tháng 7, đồng bào người Tày, người Sán Chay ở xã Tức Tranh và xã Vô Tranh, huyện Phú Lương lại tổ chức gói bánh. Cùng với bánh trưng, bánh dày, trên mâm cỗ không thể thiếu món bánh ngải và bánh chim.

Bánh ngải được làm từ gạo nếp vải Phú Lương, lá ngải cứu luộc chín, giã nát trộn với gạo và gói bằng lá chuối. Bánh chim có thể dùng nếp thường hay nếp cẩm, nhưng điều không thể thiếu đó là vỏ bánh được đan, cắt tỉa kỳ công từ lá cây dứa dại.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Yến ở xóm Liên Hồng 2, xã Vô Tranh, huyện Phú Lương, Phó Giám đốc chè Đạt Phát, chuyên kinh doanh các đặc sản địa phương, kết hợp với du lịch homestays, cho biết, bánh ở vùng này có một hương vị đặc biệt mà không nơi nào có được, đây cũng chính là món ăn yêu thích mỗi khi du khách ghé thăm vùng đất này.Tiềm năng của xã Vô Tranh là bánh ngải đặc sản. các cụ làm bánh lâu đời rồi. Tiềm năng phát triển ra thị trường rất tốt vì bánh rất ngon, là đặc sản của Vô Tranh.  

Thời gian qua, huyện Phú Lương đã làm tốt Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Qua Đề án mỗi xã một sản phẩm, nhiều sản phẩm đặc trưng của địa phương đạt tiêu chuẩn OCOP được nhiều người biết đến. Ông Ma Tiến Cốp, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Phú Lương, cho biết: Thời gian tới sẽ đặt mục tiêu tập trung tuyên truyền quảng bá các sản phẩm OCOP, những sản phẩm đặc trưng kết hợp để phát triển du lịch, nâng cao thu nhập cho người dân.

Thực hiện Đề án mỗi xã một sản phẩm, việc xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa theo tiêu chuẩn OCOP đang được tỉnh Thái Nguyên triển khai hiệu quả. Từ những sản phẩm truyền thống đặc trưng vùng miền hay như sản phẩm chủ lực địa phương là cây chè, đều được các cấp, các ngành đầu tư phát triển góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Thái Nguyên hiện có 53 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao trở lên, trong tổng số 129 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Các sản phẩm được chứng nhận OCOP gia tăng về số lượng, kiểu dáng, mẫu mã, chất lượng sản phẩm được nâng cao, dần hình thành nhóm sản phẩm đặc trưng của vùng, miền.

Thái Nguyên đề ra mục tiêu phấn đấu trong 3 năm tới sẽ có ít nhất trên 200 sản phẩm được xếp hạng OCOP từ 3 sao trở lên và có ít nhất 10 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao cấp quốc gia, thực hiện được từ 5 đến 8 mô hình Làng văn hóa du lịch đạt tiêu chuẩn OCOP.

Ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên, cho biết: Nhằm quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP, vào trung tuần tháng 12 tới, tỉnh sẽ tổ chức cuộc thi ẩm thực vùng miền để thu hút khách du lịch.Nông nghiệp và du lịch phải gắn kết với nhau. Du khách đến với mỗi vùng quê đều có nhu cầu thưởng thức các đặc sản vùng miền. Chính vì vậy những đặc sản quý ở địa phương sẽ như thỏi nam châm thu hút khách du lịch.

Thái Nguyên được mệnh danh “đệ nhất danh trà”, là vùng chè nổi tiếng của cả nước. Cùng với đó, du khách đến với Thái Nguyên sẽ được thưởng thức những tinh hoa ẩm thực địa phương đó là bánh chưng Bờ Đậu, cơm lam Định Hóa, trám đen Hà Châu, đậu phụ Bình Long, tôm cuốn Thừa Lâm, bánh Coóc Mò, măng đắng Ngàn Me, tương nếp Úc Kỳ. Thời gian tới, việc gắn các sản phẩm đặc trưng truyền thống với du lịch sẽ là hướng đi đúng trong phát triển kinh tế, xã hội cho tỉnh Thái Nguyên./.

Mạnh Phương/VOV1

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC