"Tổ phụ nữ Chăm tiến bộ" ấp Phũm Soài giúp nhau vượt khó
Thứ sáu, 00:00, 21/10/2016

(VOV) - Nếu như trước đây, phụ nữ Chăm ở An Giang chỉ biết thêu thùa, may vá, nội trợ, thì ngày nay nhiều chị tham gia tích cực các phòng trào ở địa phương. Tại các làng Chăm nơi đây đã xuất hiện nhiều mô hình do phụ nữ lập nên. “Tổ phụ nữ Chăm tiến bộ” tại ấp Phũm Soài, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu. đã giúp nhiều phụ nữ Chăm thay đổi nếp sống.


 

Chị Fati Mah, Chi hội trưởng Chi Hội Phụ nữ ấp Phũm Soài, Tổ trưởng “Tổ phụ nữ Chăm tiến bộ”, cho biết sau hơn 3 năm thành lập, với 25 thành viên, tổ đã sinh hoạt định kỳ với nhiều nội dung phong phú, giúp nhiều hội viên học những điều hay, loại bỏ những cái chưa tốt. Các chị em có điều kiện nói lên nguyện vọng của mình; tham gia vào các lớp học nâng cao kiến thức pháp luật, bình đẳng giới, xây dựng gia đình, chăm sóc sức khỏe trong độ tuổi sinh sản; tập huấn, hướng dẫn các mô hình sản xuất, kinh doanh…

 

"Tổ Phụ nữ Chăm tiến bộ" họp mặt sinh hoạt định kỳ

 

Điểm nổi bật nhất của “Tổ phụ Chăm tiến bộ” là phong trào giúp nhau vượt khó, nuôi con ăn học. Trong 25 thành viên thì có đến 9 chị có con đang học đại học tại An Giang, thành phố Hồ Chí Minh và Malaisia.

 

Chị Fati Mah cho biết: "Chúng tôi trước đây không biết chữ, thấy thua thiệt với các chị em khác. Tôi muốn người Chăm chúng tôi ngày càng tiến bộ, chứ không như trước đây nữa. Trước đây, cha mẹ chúng tôi khó khăn lắm nên không có điều kiện cho chúng tôi học hành, vì vậy mà tôi mong muốn thế hệ con em sẽ được học hành đến nơi đến chốn, học càng cao càng tốt, để sau này giúp ích cho xã hội".

 

Gian hàng thổ cẩm của phụ nữ làng Chăm Phũm Soài

 

Để tạo đồng vốn giúp các thành viên khó khăn, “Tổ phụ nữ Chăm tiến bộ” đã vận động mỗi thành viên tiết kiệm 150.000đồng/tháng; hùn vốn mỗi ngày 10 ngàn đồng, sau 15 ngày sẽ bốc thăm hỗ trợ cho một thành viên 3 triệu đồng không tính lãi để có vốn làm ăn. Tổ vận động thành lập 2 tổ tiết kiệm bằng hình thức bỏ ống thỏ với 45 thành viên, mỗi ngày các chị tiết kiệm từ 5.000 đồng trở lên. Số tiền tiết kiệm đến nay đã được gần 20 triệu đồng và được sử dụng vào mục đích hỗ trợ hội viên khi đau ốm, bệnh tật, thiếu tiền cho con ăn học…

 

Chị Rô Phi Ah vừa nhận được số tiền tiết kiệm từ "Tổ phụ Chăm tiến bộ”, cho biết: "Tôi thấy mô hình này rất có ích. Vì vậy mà tôi tiết kiệm bằng hình thức bỏ ống. Và khi nhận được số tiền tiết kiệm thì tôi trang trải cho việc học của con và mua vật dụng trong gia đình".

 

Mô hình “Tổ phụ nữ Chăm tiến bộ” đang được Hội phụ nữ các cấp trong tỉnh An Giang nhân rộng để hơn 5.600 chị em phụ nữ Chăm ở tỉnh này có điều kiện tham gia ngày càng nhiều hơn các hoạt động xã hội.

 

 

 

Đoàn Sỹ/VOV-TP.HCM

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC