Trám sạch Phú Lương
Thứ tư, 00:00, 21/09/2016 Phú - CT Phú - CT

(VOV4) - Mô hình trồng trám của đồng bào Tày ở xã Ôn Lương là một trong những mô hình được đánh giá cao trong việc phát huy nội lực cộng đồng.




 

Chị Nguyễn Thị Lâu, người Tày, trưởng xóm Thâm Chung (xã Ôn Lương, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên), cũng là Trưởng nhóm sinh kế trồng trám, chia sẻ: "Từ khi biết đến cây trám, gắn bó với cây trám và phát triển kinh tế nhờ vào cây trám, thì đời sống gia đình tôi cũng như nhiều hộ ở xóm Thâm Chung đã đổi thay. Nhiều hộ nghèo trong nhóm đã thoát nghèo chỉ sau vài năm tham gia. Từ năm 2012 chính thức thành lập thành tổ hợp tác thì bắt đầu ra quy chế đóng góp. Sau khi thu của năm 2012, lập tức cho vay luôn vì có hộ quá nghèo. Cho 4 người vay, 4 chị đó đã thoát nghèo. Có chị không những thoát nghèo mà còn giàu lên rồi, họ mua được máy phụt lúa, mua xe, làm nhà".

 

Nhờ cây trám, nhiều gia đình đã thoát nghèo. Ảnh: baomoi.com

 

Chị Lường Thị Ngọc, tổ viên nhóm trồng trám, người đã gắn bó với nhóm từ những ngày đầu, thấy rõ hiệu quả từ cây trám: "So với trồng lúa hay trồng chè thì hiệu quả hơn, mình ít phải chăm bón, quả mình nhặt theo thời vụ".

 

Hiện nay, tổng diện tích trám ở xã Ôn Lương đã lên tới 7 ha, trong đó 5 ha trám trắng với 2.000 gốc và 2 ha trám đen với 800 gốc. Sản lượng trung bình 1 tạ/cây. Giá bán 20.000đ/kg trám trắng và 50-70 nghìn đồng/kg trám đen đã mang lại nguồn thu không nhỏ đối với các thành viên nhóm sinh kế trồng trám.

 

Nhớ lại những ngày đầu, chị Lâu không nghĩ mình lại gắn bó và có duyên với cây trám đến vậy. Ban đầu, các tổ viên còn khó khăn, nên mọi chi phí về nhân công và cây giống đều có sự chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau: "Lúc đầu thấy quả trám đơn thuần chỉ là quả trám thôi, nhưng khi giải lao ngồi ăn trám thì thấy rất ngon, ở chợ vẫn bán được thì về sau sẽ bán được nhiều. Sau đó mới nghĩ cách vào nhóm với nhau, góp tiền với nhau. Lúc đầu chỉ có 4 chị em, vận động thêm, đến lúc được 10 chị em rồi bầu ra tổ trưởng, tổ phó, xây dựng một quy chế hoạt động...".

 

Trồng trám xen với các loại cây khác để lấy ngắn nuôi dài.  Ảnh: dantri.com

 

Hiệu quả từ cây trám đã thấy rõ, nhưng chị Nguyễn Thị Lâu và các tổ viên xác định trám vẫn chưa phải là hướng giảm nghèo nhanh chóng, bởi trồng trám đòi hỏi khoảng thời gian từ 7-8 năm mới cho thu hái. Do đó, nhóm tính chuyện phải kết hợp trồng xen trám với nhiều loại cây khác. 

 

"Trồng xen vào rừng cọ, rừng vầu, xen vào bãi trầu, bãi keo hoặc là bãi mây… Chúng tôi trồng xen theo hàng, cứ một hàng trám trắng thì trồng một hàng keo, lại trồng một hàng trám đen. Dưới tán keo và trám chúng tôi sẽ trồng ba kích, trồng cây lá khôi, trồng cây hoàng tinh trắng, mà các cây dược liệu đó dễ bán. Đi tìm hiểu cây lá khôi thì tươi 30k/kg, khô thì 100k/kg, còn ba kích cũng 80k/kg. Sau này khai thác cây gỗ, còn lại cây trám. Cây trám rừng đầu nguồn thì vĩnh viễn không được khai thác. Nó bảo vệ được môi trường, giữ được nước, chống xói mòn, chống bão lụt rất tốt" - chị Lâu nói. 

 

 Theo ông Ngô Trường Thi, Chánh văn phòng Chương trình quốc gia giảm nghèo, mô hình phát triển trám của bà con dân tộc thiểu số ở xã Ôn Lương là một mô hình tốt, rất phù hợp với địa hình cũng như tập quán canh tác của bà con nơi đây.


 

Trám hiện hữu trong bữa ăn hằng ngày.  Ảnh: baomoi.com

 

Xây dựng thương hiệu Trám sạch Phú Lương

Theo các chuyên gia, để xây dựngthương hiệu trám sạch Phú Lương, việc quảng bá sản phẩm và khẳng định chất lượng là điều quan trọng.

Ông Vũ Trung Hòa, Giám đốc kinh doanh công ty cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu Thái Hưng, cho rằng, ngoài nỗ lực của nhóm thì cần có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và phải thành lập hợp tác xã: "Cần có sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương để tư vấn cho bà con thành lập hợp tác xã, rồi liên kết chặt chẽ tạo vùng nguyên liệu, vì bà con chỉ biết trồng thôi, về hoạt động bà con còn bị hạn chế rất nhiều. Cần có sự tham gia của ngành nông nghiệp, rồi hội nông dân, hội làm vườn. Người trồng trám chưa biết bán sản phẩm ra, ví dụ đóng hộp bán vào kênh quà tặng hoặc bán vào hệ thống thực phẩm sạch ở Hà Nội và các thành phố lớn để làm các món ăn trong bữa cơm hàng ngày".

 

Chị Nguyễn Thị Lâu bảo nhóm cũng muốn mở rộng quy mô, song còn nhiều vướng mắc. Tổ không có tư cách pháp nhân: "Mong muốn có một chương trình hoặc có một chuyên gia tư vấn họ giúp mình để xây dựng thành HTX, quảng bá được thương hiệu của mình". 

 

 

 

 Việt Phú/VOV4


Phú - CT

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC